Muốn hết “xin - cho” thì không lồng ghép ngân sách

(PLO) - Đó là kiến nghị của nhiều Đại biểu Quốc hội đối với Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) được Hội nghị Đại biểu chuyên trách cho ý kiến tại phiên họp sáng qua (17/4).
Phải giảm tối đa cơ chế xin - cho
Ngay từ khi thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, nhiều ý kiến đã tập trung phân tích về các qui định lồng ghép ngân sách trong Dự thảo Luật. Sau khi Dự thảo được chỉnh lý, Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP.HCM) vẫn đề nghị Dự thảo cần tập trung hơn nữa để khắc phục tính lồng ghép của ngân sách mới “giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay trong quản lý ngân sách nhà nước (NSNN). 
Chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng nhận thấy các tồn tại trong quản lý NSNN hiện nay một phần là do lồng ghép ngân sách. “Nếu khắc phục được vấn đề trên thì Dự thảo Luật mới sửa đổi được căn bản Luật NSNN hiện hành” – Báo cáo giải trình của UBTVQH nêu rõ.
Theo đó, việc khắc phục các tồn tại hiện nay được thực hiện bằng cách hoàn thiện các quy định có liên quan, như bổ sung một số quy định về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập dự toán ngân sách hàng năm và về thảo luận và quyết định dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách hàng năm. 
Ngoài ra, cùng với việc làm tốt công tác dự báo và tổ chức thực hiện sẽ giúp giảm tính hình thức của Quốc hội (QH) và HĐND các cấp trong việc quyết định dự toán ngân sách cũng như các bất cập khác do sự phức tạp, chồng chéo của lồng ghép ngân sách.
Ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư các công trình phúc lợi xã hội (Ảnh minh họa từ Internet)
Ngân sách đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư các công trình phúc lợi xã hội (Ảnh minh họa từ Internet) 
Vấn đề được ĐB Trần Du Lịch lo ngại: “Tại sao cứ lồng ghép vào, cái cần tự chủ thì không cho tự chủ, cái không được tự chủ lại lồng ghép tự chủ. Phải giảm tối đa cơ chế xin - cho. Lồng thế này để xin - cho, nếu tách biệt ra thì sẽ không còn xin - cho. Làm sao để QH kiểm soát ngân sách thực sự, nếu không dù QH quyền lực có cao thế nào thì cũng không có quyền thực sự gì”.
Thưởng cho tỉnh giàu, có ý nghĩa gì?
Thưởng vượt thu ngân sách cũng là một trong những vấn đề “nóng” của Dự thảo Luật này. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng nên qui định về thưởng vượt thu để động viên, khuyến khích các địa phương chăm lo, chỉ đạo công tác thu ngân sách, nhất là các địa phương trọng điểm thu thì việc quy định thưởng vượt thu các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương là cần thiết.
Như đề nghị của UBTVQH thì ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) lại không đồng ý vì theo cơ chế thưởng hiện hành, chỉ có 13 tỉnh giàu được thưởng. “Như vậy có cần thiết được thưởng không, khi Hà Nội và TP.HCM được để lại tất cả, có nghĩa số còn lại chỉ còn 11 địa phương?”.
Vì vậy, ĐB này thừa nhận thưởng để khuyến khích thì đúng, nhưng cần căn cứ mức độ đóng góp, mức độ sụt giảm của hạ tầng để quy định mức thưởng thích đáng trong việc phấn đấu tăng thu.
Nhưng theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), nên tính toán để địa phương được hưởng ngay từ khi lập cơ chế. “Không nên những khoản thu lớn mà địa phương lại không được gì”, chứ không đồng tình với cơ chế thưởng vượt thu./.

Đọc thêm