Muốn phát thải ròng bằng '0', phải định giá carbon

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Để đạt được mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại COP26, Việt Nam phải đổi mặt với thách thức phát triển hướng tới một nền kinh tế carbon thấp. Trong đó định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon, được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Giảm phát thải khí nhà kính

Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Quá trình này không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp được đánh giá là đóng vai trò chủ chốt. Bởi vậy, giảm phát thải đã và đang trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp ở những khu vực khác nhau.

Theo thống kê của World Bank (2022), các cơ chế định giá carbon đang được áp dụng tại 46 quốc gia và 36 địa phương, chiếm 11,83 tỷ tấn CO2 (khoảng 23,11% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu). Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cả hai công cụ thuế carbon và thị trường carbon đều có thể được áp dụng song song một cách linh hoạt để tối ưu hóa việc cắt giảm phát thải.

Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) định nghĩa, định giá carbon là công cụ nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính bằng cách đặt một khoản phí phát thải và/hoặc khuyến khích phát thải ít hơn.

Cụ thể hơn, định giá carbon là làm cho các hoạt động phát thải KNK trở nên đắt đỏ hơn thông qua việc áp chi phí cho mỗi tấn CO2 tương đương thải ra khí quyển.

Doanh thu từ việc tính phí phát thải sẽ được sử dụng để thúc đẩy các công nghệ sạch hơn và hỗ trợ cho nhóm dễ bị tổn thương.

Định giá carbon là chính sách quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào giảm phát thải KNK. (Ảnh minh hoạ)

Định giá carbon là chính sách quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào

giảm phát thải KNK. (Ảnh minh hoạ)

Đánh giá về các công cụ định giá carbon và vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, ông Wolfgang Mostert, Chuyên gia quốc tế về chính sách năng lượng và khí hậu, nhận định: “Định giá carbon là một công cụ chính sách hướng đến tính hiệu quả và tính kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải đề ra với chi phi thấp nhất bằng cách cân bằng chi phí giảm phát thải giữa các ngành và các nguồn phát thải KNK. Trong đó thị trường carbon đóng vai trò quan trọng, nhưng để xây dựng và vận hành thị trường này là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính”.

Còn theo đánh giá của TS. Trương An Hà, Chuyên gia nghiên cứu của Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), “thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon”.

Hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ vướng mắc

Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012. Sau đó, Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 của Đảng và Nghị quyết 50-NQ/CP năm 2021 Chính phủ đã bao gồm xây dựng thị trường carbon trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước.

Đáng chú ý, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trong đó bao gồm 1662 cơ sở thuộc ngành Công Thương, 70 cơ sở thuộc ngành Giao thông vận tải, 104 cơ sở thuộc ngành Xây dựng, 76 cơ sở thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường.

Về lộ trình tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước, Luật Bảo vệ môi trường quy định có 2 giai đoạn. Giai đoạn đến hết năm 2027 gồm các việc như hoàn thiện các quy định pháp luật; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng,… để giai đoạn từ năm 2028 sẽ chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Thời gian vừa qua Việt Nam đã ban hành chiến lược về biến đổi khí hậu xác định rõ lộ trình giảm phát thải KNK đến năm 2030 và 2050, trong đó xác định rõ công cụ định giá carbon là một trong những công cụ quan trọng chính, giúp huy động những nguồn tài chính, đặc biệt từ khu vực tư nhân, để đóng góp vào hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050."

"Tuy nhiên, một số chính sách hiện nay phải điều chỉnh hoặc xây dựng mới để giải các bài toán về đầu tư, tháo gỡ vướng mắt về các thủ tục hành chính liên quan cho các doanh nghiệp. Do đó, các bộ, ngành liên quan trong thời gian tới sẽ rà soát, hoàn thiện những chính sách này sao cho tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp nhanh và mạnh hơn”, ông Minh nói thêm.

Đánh giá về việc định giá carbon sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp như thế nào, TS. Nguyễn Phương Nam – Giám đốc điều hành của Climate Innovation (KLINOVA) cho biết: “Khi có quy định về định giá carbon, các doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật, và việc tuân thủ này chắc chắn ảnh hưởng đến quy mô sản xuất của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp đang phát thải nhiều để sản xuất ra nhiều sản phẩm, giờ phải tính toán giảm phát thải, tức là có thể sản xuất ít sản phẩm hơn hoặc phải chuyển sang dùng những công nghệ hiện đại hơn thay cho công nghệ cũ”.

Ông Nam cũng nhận định, về ngắn hạn, thị trường carbon hay các quy định về hạn ngạch sẽ mang lại tác động tiêu cực cho doanh nghiệp bởi tăng chi phí. Tuy nhiên về dài hạn, lợi ích tích cực cho doanh nghiệp là rất lớn so với chi phí đầu tư chuyển đổi công nghệ ban đầu. Trước hết, doanh nghiêp có thể tránh những hình phạt, chế tài bởi không tuân thủ quy định pháp luật, và không bị mất hình ảnh là một “doanh nghiệp bẩn, phát thải nhiều không có trách nhiệm với môi trường”.

Bên cạnh đó, họ còn khả năng huy động được các nguồn tín dụng xanh, trái phiếu xanh; có cơ hội nâng cao uy tín trong nước và quốc tế và được xác định khả năng hợp tác phát triển lâu dài hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ và các quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn để vượt qua những khó khăn, rủi ro ban đầu.

Theo Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia gần nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường.

Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.