Hiện nay, nhiều người vì vô tình do không hiểu biết hoặc cố ý mượn thẻ BHYT của người khác để khám, chữa bệnh. Nhiều bác sĩ cấu kết với bệnh nhân hoặc tự ý lấy mã số thẻ BHYT của người dân lập hồ sơ, bệnh án để thanh toán tiền BHYT. Các hành động này đều gây phương hại đến quỹ BHYT, ảnh hưởng quyền lợi của người khác.
Theo các chuyên gia BHXH, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người tham gia bảo hiểm y tế có nghĩa vụ: “Sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế”.
Cùng với đó, Điều 65 Nghị định 76/2013/NĐ-CP có quy định: “2. Phạt tiền đối với hành vi cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám bệnh, chữa bệnh theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế;
b) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc hoàn trả số tiền đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này;
b) Buộc người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả vào tài khoản thu của quỹ bảo hiểm y tế đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi thẻ bảo hiểm y tế đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.”
Đặc biệt, từ 1/1/2018, Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó qui định rõ tội gian lận Bảo hiểm y tế có thể bị phạt tù. Cụ thể:
Điều 215. Tội gian lận bảo hiểm y tế
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Như vậy, hành vi cho mượn hoặc mượn thẻ BHYT của người khác để khám chữa bệnh là trái quy định của pháp luật” – vị chuyên gia trong lĩnh vực BHXH cho biết./.