Mỹ căng thẳng vấn đề cắt giảm ngân sách

Vấn đề giảm thâm hụt ngân sách hôm qua được đưa ra Quốc hội Mỹ, sau cuộc bỏ phiếu về một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm tránh làm tê liệt Chính phủ nước này.

Vấn đề giảm thâm hụt ngân sách hôm qua được đưa ra Quốc hội Mỹ, sau cuộc bỏ phiếu về một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm tránh làm tê liệt Chính phủ nước này.

Kế hoạch ngân sách của phe Cộng hòa chưa chắc đã vượt qua cửa ải Thượng viện, ngay khi đã được Hạ viện thông qua. Ảnh: AFP

Hạ viện Mỹ đã phải xem xét về dự toán ngân sách cho năm 2012 của các thành viên đảng Cộng hòa. Đề xuất này được Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện, thành viên đảng Cộng hòa Paul Ryan trình bày, trong đó dự tính cắt giảm mạnh (4.400 tỷ USD trong 10 năm), giảm thuế đối với các doanh nghiệp và những người Mỹ giàu nhất cũng như “giải tán” chương trình bảo hiểm y tế.

Nếu được thông qua tại Hạ viện, văn bản này của ông Ryan vẫn được cho là ít có cơ hội vượt qua cửa ải Thượng viện vốn “nằm trong tay” các thành viên Dân chủ.

Trước đó, hôm 13/4, trong bài phát biểu về ngân sách quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích “thậm tệ” dự toán nói trên của phe Cộng hòa, đồng thời đề xuất cắt giảm thâm hụt 4.000 tỷ USD trong 12 năm tới bằng cách cắt giảm chi tiêu chính phủ và tăng thuế đánh trên người giàu.

Theo Tổng thống Mỹ, trong số 4.000 tỉ USD nói trên, 2.000 tỉ USD đến từ việc cắt giảm chi tiêu, 1.000 tỉ USD đến từ việc cải tổ hệ thống thuế nhằm loại bỏ một số khoản giảm thuế và khắc phục lỗ hổng trong quy định về thuế, phần còn lại từ việc trả lãi thấp hơn cho nợ quốc gia. Ông Obama mong muốn ngừng các khoản giảm thuế từ thời Tổng thống George W.Bush dành cho người giàu, tức các cá nhân có thu nhập trên 200.000 USD/năm và những cặp vợ chồng kiếm được trên 250.000 USD/năm. Tuy nhiên, đầu tư cho giáo dục và năng lượng sạch sẽ không bị ảnh hưởng.

Chính phủ Mỹ ước tính kế hoạch này sẽ đưa thâm hụt ngân sách xuống còn 2,5% GDP vào năm 2015, so với 10,9% hiện nay.

Tại Quốc hội Mỹ hôm 14/4, một chương trong cuộc chiến ngân sách vốn làm “rúng động” Washington ngay từ buổi bình minh của chiến dịch tranh cử tổng thống 2012 đã khép lại, sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện với 260 phiếu thuận so với 167 phiếu chống, tại Thượng viện là 81/19, về một đạo luật tài chính gây tranh cãi chấm dứt nhiều tuần thương lượng căng thẳng giữa hai đảng. Đạo luật này tránh gây tê liệt Chính phủ liên bang và cung cấp tài chính cho chính quyền Mỹ tới ngày 30/9 tới. Nó cũng cho phép giảm ngân sách 38,5 tỷ USD so với năm 2010. Việc Tổng thống Obama ký ban hành đạo luật này chỉ là vấn đề thủ tục.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney đã hoan nghênh việc thông qua đạo luật nói trên giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố trong một bản thông cáo: “Chúng ta đều biết rằng nhiều thách thức sẽ xảy ra giữa sự phát triển kinh tế và giảm thâm hụt ngân sách”.

Trước đó, hôm thứ Sáu tuần trước Chính phủ Mỹ đã may mắn không bị ngừng hoạt động khi hai đảng trong Quốc hội và Nhà Trắng đạt được thỏa thuận ngay trước thời hạn cuối cùng một tiếng đồng hồ. Thỏa thuận cho phép tránh đóng cửa một số dịch vụ trong chính quyền Mỹ. Trong đó hai đảng đặc biệt dự kiến cắt giảm chi tiêu của Mỹ trong trợ giúp lương thực cho nước ngoài hoặc môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chia rẽ hai đảng. Một bên, phe Dân chủ cho rằng việc cắt giảm như vậy là quá “nặng”, trong khi bên kia, phe Cộng hòa chịu tác động bởi những nhà bảo thủ của “Đảng Trà” còn đòi cắt giảm nhiều hơn nữa và 59 người trong số họ đã bác bỏ thỏa thuận đạt được hôm 14/4.

“Dự luật đó không phải là hoàn hảo. Không có gì để vui mừng. Đó chỉ là bước đầu tiên. Còn giai đoạn tiếp theo sẽ là ngày 15/5 khi Hạ viện bỏ phiếu về vấn đề dự thảo ngân sách tới năm 2012 của phe Cộng hòa”, Chủ tịch Hạ viện John Boehner nhận định.

Cuối tuần này, các dân biểu trong Quốc hội Mỹ sẽ có kỳ nghỉ 2 tuần trước khi quay trở lại với cuộc thảo luận về ngân sách năm 2012 và về sự cần thiết đưa ra trần cho các khoản nợ (14.290 tỷ USD). Các cuộc thảo luận này được dự báo sẽ rất căng thẳng khi mà chúng phục vụ cho chiến dịch bầu cử năm 2012 và trong bối cảnh thâm hụt của Mỹ có thể đạt tới 1.600 USD trong năm nay.

Phúc Lợi (theo AFP, AP, BBC)

Đọc thêm