Theo Reuters, Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về cách điều hành của UNESCO và cho rằng tổ chức này có thành kiến với Israel. Trước đó, các quan chức Washington cũng từng nói rằng, Mỹ sẽ rút khỏi UNESCO sau nhiều lần chỉ trích những nghị quyết mà chính quyền Tổng thống Donald Trump coi đó là “bài xích” Israel. Cùng ngày, Israel cũng tuyên bố rút khỏi tổ chức này.
Cú sốc lớn đối với UNESCO
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh nước này sẽ chỉ đóng vai trò quan sát viên mà không còn là thành viên của UNESCO nhằm đóng góp ý kiến cũng như chuyên môn. “Quyết định này sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, nó phản ánh sự quan ngại của Mỹ đối với các vấn đề còn tồn động ở UNESCO, sự cần thiết phải đổi mới lại cách tổ chức và tâm lý bài trừ Israel đang diễn ra ở đây”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói.
Sau tuyên bố vài giờ, Thủ tướng Isarel Benjamin Netanyahu nói rằng Isarel cũng sẽ rời khỏi tổ chức này và ủng hộ quyết định của Mỹ là “dũng cảm và đúng đắn”. “Hôm này là một ngày mới tại LHQ, UNESCO phải trả giá về sự phân biệt đối xử với Isarel”, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon nói.
Tuy nhiên, sự việc lần này là cú sốc lớn đối với UNESCO, “Tôi đã nhận được văn bản chính thức từ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tiếc nuối sâu sắc về quyết định rút lui của Mỹ. Vào thời điểm các cuộc xung đột, chống khủng bố đang diễn ra căng thẳng trên toàn thế giới và cần tới những nguồn tái đầu tư cho giáo dục, cho những cuộc đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm tránh tư tưởng thù địch, việc Mỹ - quốc gia đi đầu giải quyết các vấn đề này- rút khỏi UNESCO là một điều đáng buồn. Đây là tổn thất lớn đối với ngôi nhà chung LHQ và là sự mất mát đối với chủ nghĩa đa văn hóa”, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova bày tỏ sự nuối tiếc trước quyết định của Mỹ.
Rút lui vì UNESCO bài trừ Isarel
Được biết, trước đây Mỹ đã từng rút khỏi UNESCO vào năm 1984 dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vì cho rằng UNESCO đã thiên vị khi ủng hộ Liên Xô, đồng thời là sự cách biệt lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và các mục tiêu của UNESCO. Tận 19 năm sau đó, cựu Tổng thống George W.Bush đã đưa Mỹ quay trở lại UNESCO tháng 10/2003. Phát biểu tại lễ tái gia nhập, Tổng thống Mỹ George W.Bush phát biểu: “Để đảm bảo lời cam kết với nhân loại, Mỹ sẽ trở lại UNESCO. Tổ chức này đã được cải tổ và Mỹ sẽ tham gia vào toàn bộ các sứ mệnh để thúc đẩy nhân quyền và tri thức”.
Tuy nhiên, Mỹ hiện tại là đồng minh thân thiết với Isarel, đã từ chối viện trợ cho UNESCO kể từ năm 2011, khi cơ quan này thừa nhận Palestine là thành viên chính thức. Trong khi Mỹ và Israel là nằm trong số 14 trên tổng 194 quốc gia bỏ phiếu chống lại quyết định này. Cũng kể từ đó, Mỹ cắt nguồn đóng góp lớn, chiếm tới 22% ngân sách UNESCO. Mặc dù Mỹ luôn ủng hộ Palestine độc lập trong tương lai, nhưng luật pháp Mỹ từ những năm 1990 quy định chính phủ Mỹ phải rút tiền tài trợ từ bất kỳ cơ quan nào của LHQ thừa nhận Palestine là thành viên, trước khi nước này độc lập và ký kết một hiệp ước hòa bình với Israel.
Trước đó hồi tháng 7, Mỹ cũng đã xem xét đến vấn đề rút khỏi UNESCO khi tổ chức này công nhận thành phố cổ Hebron tại vùng Cisjordanie, ở Bờ Tây của Palestine (đang do Israel chiếm đóng) là “khu vực bảo tồn” của Di sản thế giới. Quyết định này theo phía Mỹ là đi ngược lại với lịch sử. Tại Hébron hiện có 200.000 người Palestine sinh sống và vài trăm người Do Thái cư ngụ gần khu thánh địa của cả Do Thái và Hồi giáo.
Cũng vì sự việc này mà hồi tháng 10, Israel ngừng hợp tác với UNESCO sau khi cơ quan này thông qua một dự thảo nghị quyết mà theo Israel là đã phủ nhận mối liên hệ sâu xa của người Do Thái với thánh địa ở Jerusalem. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng LHQ, UNESCO đã “đảo ngược lịch sử” khi xếp thành cổ Hebron vào danh sách di sản thế giới thuộc Palestine.
Được biết, UNESCO được biết đến là cơ quan thúc đẩy nhiều nhiệm vụ toàn cầu, bao gồm giáo dục giới tính, xóa mù chữ, nước sạch và bình đẳng giới. Hiện tại tổ chức này đang phải vật lộn với những khó khăn khi các cuộc xung đột trong khu vực ngày càng gia tăng và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tiền.
Động thái này của Mỹ đã thể hiện sự hoài nghi của ông Trump về sự cần thiết của Mỹ rút khỏi tổ chức này. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Mỹ đã từ bỏ rất nhiều thứ và luôn đặt lợi ích quốc gia và lợi ích kinh tế lên trên hết. Ví dụ điển hình là nước này đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận khí hậu Paris. Washington cũng đang xem xét việc rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ và cũng cáo buộc tổ chức này chống lại Isarel.
Có thể nói, sự vắng mặt của Mỹ hay bất kỳ quốc gia lớn này có quyền lực là một sự mất mát lớn, không chỉ về tiền bạc mà gây ảnh hưởng về tư tưởng, mở ra một tiền lệ khiến nhiều nước khác làm theo.