'Mỹ nữ' chiếm đoạt tiền của bác sỹ thẩm mỹ hầu tòa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thường xuyên đến một thẩm mỹ viện để chăm sóc sắc đẹp, Thương quen kỹ thuật viên và bác sỹ của thẩm mỹ viện này. Sau đó, Thương dụ dỗ họ góp vốn đáo hạn ngân hàng để chiếm đoạt.
Bị cáo Thương tại tòa.
Bị cáo Thương tại tòa.

Ngày 3/7, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Thương (SN 1993, ở Chương Mỹ, Hà Nội) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là bác sỹ và kỹ thuật viên của một thẩm mỹ viện.

Tại tòa, Thương thừa nhận, đã nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bị hại để có tiền chi tiêu cá nhân.

Theo lời khai của Thương, khoảng tháng 10/2021, bị cáo thường xuyên đến chăm sóc sắc đẹp tại một thẩm mỹ viện ở quận Cầu Giấy, Hà Nội nên quen biết chị Hoa – kỹ thuật viên thẩm mỹ và anh Linh – bác sỹ thẩm mỹ viện.

Thương nói với chị Hoa, anh Linh là bản thân đang làm dịch vụ cho khách hàng vay tiền để đáo hạn các khoản vay hết hạn tại ngân hàng. Thương khoe mình có nhiều mối quan hệ với cán bộ ngân hàng, có cô ruột là Giám đốc 1 ngân hàng. Do đó, Thương có nhiều khách vay tiền để đáo hạn, lợi nhuận cao và hoàn toàn yên tâm, không bị mất vốn.

Thương hứa hẹn, trường hợp đáo hạn thẻ tín dụng, Thương sẽ trả lợi nhuận là 10% số tiền góp vốn, thời gian góp vốn là 5 ngày. Trường hợp đáo hạn thế chấp sổ đỏ, Thương trả lợi nhuận từ 15-20% số tiền góp vốn, thời gian góp vốn là 10 ngày. Tin những thông tin trên là thật nên khi Thương rủ góp vốn để kinh doanh, chị Hoa và anh Linh đã đồng ý.

Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Thương không thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng chi tiêu cá nhân và dùng chính số tiền của các bị hại góp lần sau để trả gốc, lãi cho lần trước. Do nhận được tiền lãi nên chị Hoa và anh Linh càng tin tưởng, chuyển thêm tiền cho Thương.

Theo tài liệu điều tra, khi rủ chị Hoa góp tiền để đáo hạn ngân hàng, Thương nói mọi giấy tờ, sổ sách liên quan đều do cô ruột của Thương giải quyết, chị Hoa hãy yên tâm hưởng mức lợi nhuận cao. Thương nói, thông thường sau 10 ngày, có khi chỉ 2-3 ngày, Thương sẽ chuyển lại cho chị Hoa cả gốc và lợi nhuận, ví dụ từ 100 triệu đồng sẽ trả thành 120 triệu đồng.

Ngày 1/10/2021, Thương nhắn tin vào tài khoản Zalo của chị Hoa: “Nếu chị có 50 triệu theo em, ngày kia chị có 60 triệu”. Khi chị Hoa phân vân, Thương dụ dỗ, hứa hẹn: “Không chắc chắn, mất em đền chị, làm ăn phải chuẩn, không phải cho vay đâu, mà em vất vào ngân hàng xong lại có”.

Vài ngày sau, Thương lại nhắn tin: “Này em mách nhỏ, có 20 vất em làm cho mà kiếm, cái này 2 hôm được 7 triệu đồng”… Tin tưởng những lời Thương nói, chị Hoa đã liên tục chuyển tiền cho Thương, tổng số hơn 10,3 tỷ đồng. Đến ngày 8/1/2022, Thương đã trả lại chị Hoa hơn 7,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,4 tỷ đồng để chi tiêu cá nhân.

Tương tự thủ đoạn trên, Thương cũng rủ anh Linh góp tiền kinh doanh dịch vụ cho khách hàng vay tiền đáo hạn ngân hàng. Do tin tưởng Thương, trong gần 3 tháng, từ ngày 9/11/2021 đến 16/1/2022, anh Linh đã 154 lần chuyển cho Thương tổng số hơn 20,4 tỷ đồng. Hiện Thương đã trả cho anh Linh 17,8 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng.

Đưa vụ án ra xét xử, sau khi nghị án, HĐXX TAND TP Hà Nội nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thương 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(Bị hại trong vụ án đã được đổi tên).

Đọc thêm