Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung sau khi rời khỏi hiệp ước INF

(PLVN) - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/8 thông báo đã thử nghiệm một tên lửa hành trình tầm trung phóng từ mặt đất ở đảo San Nicholas, ngoài khơi California.
Mỹ vừa thử tên lửa tầm trung
Mỹ vừa thử tên lửa tầm trung

AFP dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, cuộc thử nghiệm được tiến hành hôm 18/8. “Tên lửa thử nghiệm đã rời khỏi bệ phóng di động trên mặt đất và bắn trúng mục tiêu một cách chính xác sau khi bay hơn 500 km”, tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, dữ liệu và những kinh nghiệm rút ra từ vụ thử nghiệm này sẽ được tích lũy cho việc phát triển các tên lửa tầm trung trong tương lai.

Theo AFP, dù tên lửa được mô tả là “được cấu hình theo quy ước”, nghĩa là nó không được trang bị hạt nhân nhưng vụ phóng tên lửa mới nhất nói trên là dấu hiệu cho thấy Washington đang tăng cường khả năng chiến đấu hạt nhân sau khi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà nước này đã ký với Liên Xô vào năm 1987 chính thức sụp đổ vào ngày 2/8.

Hiệp ước INF cấm tất cả các tên lửa phóng từ đất liền, tên lửa thông thường và tên lửa mang hạt nhân có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Hiệp ước này được ký kết nhằm nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân ở châu Âu. AFP cho hay, tên lửa được Mỹ thử nghiệm vào ngày 18/8 là một phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk có khả năng mang hạt nhân. Phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa này đã bị đưa ra khỏi lực lượng của Mỹ sau khi INF được phê chuẩn.

Nhiều người lo ngại rằng việc INF sụp đổ sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới và nguy hiểm. Hôm đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố, Mỹ - trong bối cảnh không còn bị ràng buộc bởi INF - đã bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thông thường, di động và phóng từ mặt đất.

“Đến nay, với việc chúng tôi đã rút khỏi hiệp ước, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ theo đuổi việc phát triển các tên lửa thông thường phóng từ mặt đất như một phản ứng thận trọng trước các hành động của Nga”, ông Esper nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ không bắt tay vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Phát biểu tại Pháp trước khi thông tin về vụ phóng thử nghiệm của Mỹ được công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đã đơn phương rút khỏi INF chứ không phải Nga. Tổng thống Nga cũng tuyên bố Nga không có ý định triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ không có vũ khí tương tự.

“Tôi đã nói về điều đó và tại Pháp, tôi muốn nhắc lại là chúng tôi đang đơn phương thực hiện nghĩa vụ. Nếu Mỹ sản xuất các hệ thống tấn công như vậy, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, ông Putin nói trong cuộc họp báo trước cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong khuôn khổ chuyến thăm Pháp.

Phát biểu ngày 20/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc Mỹ đã kích động căng thẳng quân sự bằng việc thử tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất. “Mỹ rõ ràng đã khiến căng thẳng quân sự leo thang”, truyền thông Nga dẫn lời ông Ryabkov nói. Quan chức Nga cũng tuyên bố Nga sẽ không chịu khuất phục trước các hành động khiêu khích.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cũng nêu rõ Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang. “Chúng tôi sẽ không cho phép bản thân bị kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém”, ông Ryabkov nêu rõ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga cũng cho hay, dù Mỹ đã thử nghiệm tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất nhưng Nga không có kế hoạch triển khai bất kỳ tên lửa mới nào trừ khi Mỹ làm như vậy trước tiên.

Tại Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này cũng đã bày tỏ quan ngại về động thái của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ quan ngại về khả năng vụ thử tên lửa sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và đối đầu mới, tác động tiêu cực nghiêm trọng đến an ninh khu vực và toàn cầu. 

Đọc thêm