Đồng thời, thông báo từ Bộ Công an phát đi đã bắt giữ khẩn cấp Giám đốc Công ty này tại chi nhánh Long An và 4 người khác để điều tra về hành vi “mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các Trạm thu phí trên tuyến cao tốc này.
Đáng chú ý Công ty Yên Khánh đang bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí tại tuyến cao tốc này với số tiền là 264,7 tỷ đồng. Việc che giấu doanh số thu phí hẳn là nhằm mục đích chia nhau, bỏ túi riêng thì còn tiền đâu mà nộp phạt với số tiền khổng lồ như vậy. Đây là việc riêng giữa 2 công ty mua bán bản quyền, cho dù phí có bị ăn cắp thì Nhà nước không thua thiệt gì (vì đã bán bản quyền rồi), tội trạng của những kẻ bị bắt khẩn cấp kia thuộc về lĩnh vực “trốn thuế”, che giấu doanh số để trốn thuế.
Sự kiện pháp lý này xảy ra vào ngày đầu tiên của năm mới song cũng ít gây sốc với dư luận khi trên bảng tin hiện lên cái tên Yên Khánh. Công ty này đã gắn chặt quá trình xây dựng phát triển và trưởng thành của mình với tên tuổi Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”. Tập đoàn Yên Khánh đã tham gia dự án BOT giao thông Trung Lương - Mỹ Thuận, Dự án BOT cầu Hạc Trì (Phú Thọ), hoặc cải tạo quốc lộ qua địa phận Lâm Đồng.
Nữ đại gia trẻ tuổi giữ cương vị Tổng giám đốc Công ty Yên Khánh từ lúc mới 20 tuổi, đã bị khởi tố bắt giam vào cuối tháng 11/2018 là cháu ruột của Út “trọc”.Lại càng đáng chú hơn khi chính Công ty Yên Khánh đã mua bản quyền thu phí Cầu Giẽ - Ninh Bình mà không phải qua đấu thầu, dự kiến 01 năm kéo dài đến gần 5 năm cho đến năm 2017 do lộ nhiều sai phạm đã bị chấm dứt hợp đồng.
Cái ngày đầu năm bị pháp luật “gõ cửa” và “sờ gáy” đối với Công ty Yên Khánh dường như đã được định trước và đánh thẳng vào BOT - địa hạt kinh doanh chủ yếu của công ty này. Một sự kiện khác nhưng liên quan đến BOT xảy ra vào những ngày cuối năm 2018 khi người dân chiếm giữ BOT Nội Bài, cửa ngõ Hà Nội vì đặt trạm thu phí ở đây là bất hợp lý và cho đến bây giờ tình trạng là “xả trạm”, không thu phí nữa - điều mà Chính phủ đã đề nghị từ lâu và nhiều lần là phá bỏ trạm này đã được thực hiện.
Phải chăng, với những dấu hiệu như vậy, năm 2019 là năm tiến công, “hạ gục” những cái BOT phi lý và bất công?