Năm 2022 sẽ giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của gói tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/1.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là vấn đề lớn và khó, có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với kinh tế mà còn cả về xã hội và hệ thống y tế nước ta, không chỉ tác động ngắn hạn mà cả trong trung và dài hạn, đặc biệt là chưa có tiền lệ.

Nhấn mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các chính sách này cần sớm được ban hành, thực hiện hiệu quả để hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần sớm đưa đất nước nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu các kế hoạch 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm đã đề ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chính sách miễn, giảm thuế ngay trong năm 2022 là năm đầu thực hiện chương trình có thể thực hiện ngay 100%.

Vẫn theo ông Dũng, để đảm bảo nguồn vốn để triển khai, Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ việc triển khai tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu thông qua lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp… sau đó mới đến huy động các nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ trong nước sau đó mới đến vốn vay ODA, tài trợ nước ngoài.

“Như vậy, việc đề xuất quy mô tổng thể, phương thức, lộ trình huy động, giải ngân các nguồn vốn cho từng năm đã được Chính phủ tính toán trên quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Trong đó, năm 2022 sẽ thực hiện giải ngân khoảng 42% tổng số vốn của chương trình, phần còn lại sẽ thực hiện giải ngân trong năm 2023”, ông Dũng nói.

Về phân bổ, quản lý, sử dụng thực hiện nguồn vốn từ các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là đối với chính sách tài khóa; đáp ứng được các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ của chương trình.

“Nhìn chung, chính sách đã được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm thiết thực, có hiệu quả đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế”, ông Dũng nói.

Nêu rõ đây là chương trình có quy mô tương đối lớn, thời gian thực hiện tương đối ngắn hạn, Bộ trưởng KH-ĐT thừa nhận, khả năng hấp thụ và để đảm bảo đạt được hiệu quả cũng như mục tiêu đề ra của chương trình là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nước ta hiện nay.

Do vậy, vấn đề quan trọng nhất bảo đảm cho sự thành công của chính sách chính là khâu tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành sau khi các chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình được Quốc hội thông qua.

“Chính phủ mong muốn và đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy vai trò chủ động, tích cực tham gia giám sát quá trình thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại địa phương mình sinh sống, làm việc”, ông Dũng nói.

Về 3 cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, những quy định mới, chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này là những chính sách đặc thù, rất có ý nghĩa trong thời điểm hiện nay, vừa góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án, sử dụng hiệu quả nguồn lực bổ sung từ chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, sớm thực hiện được mục tiêu Chiến lược về phát triển hệ thống đường cao tốc của Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội III của Đảng đề ra.

“Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và huy động ngay từ đầu sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước và cơ quan chức năng để bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm”, Bộ trưởng khẳng định.

Cũng tham gia giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, về giải pháp tài khóa, tiền tệ để thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, phần tác động đến bội chi ngân sách 240.000 tỷ, trong đó phần thuế là 64.000 tỷ, có nghĩa là phần giảm thuế năm 2022 gấp 3 lần so với năm 2021 và chi ngân sách cũng lớn nhất từ trước đến nay.

Còn theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đối với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, lãi suất là từ nguồn ngân sách, tiền cho vay là tiền huy động của các tổ chức tín dụng, của người dân cho vay. Trong quá trình điều hành, NHNN sẽ điều tiết tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có nguồn cung tín dụng đáp ứng được nhu cầu cho gói này. “Thời gian tới, trong quá trình hướng dẫn, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo phân công của Chính phủ sẽ tập trung đối tượng có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục hạn chế của những gói hỗ trợ trước”, bà Hồng nói.

Đọc thêm