Năm 2023 sẽ có khoảng 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nắng nóng nhiều và gay gắt hơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đây là những dự báo được đưa ra trong buổi Hội thảo Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, chiều nay (9/1).
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Năm 2022 vẫn có thiên tai với quy mô nhỏ

Theo đánh giá chung, trong năm 2022 vừa qua, các thảm họa liên quan đến thời tiết, nước và khí hậu, lũ lụt, nắng nóng. Đặc biệt, 8 năm qua đang trên đà trở thành 8 năm nóng nhất từng được ghi nhận, dù sự kiện La Nina kéo dài 3 năm nhưng tác động làm giảm nhiệt cũng chỉ trong thời gian ngắn và không đảo ngược được xu hướng ấm lên toàn cầu.

Lượng mưa kỷ lục vào tháng 7 và tháng 8 đã dẫn đến lũ lụt trên diện rộng ở Pakistan. 1/3 diện tích Pakistan bị ngập lụt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và thương vong về người. Theo thống kê, có ít nhất 1.700 người chết và 33 triệu người bị ảnh hưởng, 7,9 triệu người phải di dời.

Thống kê, thiên tai gây thiệt hại khoảng 260 tỷ USD trên toàn thế giới năm 2022.

Hội thảo Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn diễn ra trong chiều 9/1.

Hội thảo Khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn diễn ra trong chiều 9/1.

“Tại Việt Nam, theo đánh giá năm 2022 không quá nhiều thiên tai. Nắng nóng ít hơn năm 2021 và lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Mặc dù năm 2022 không phải là năm quá nhiều thiên tai nhưng vẫn có thiên tai với quy mô nhỏ, lượng mưa khác biệt lớn so với những năm trước. Có thể ví dụ như đợt mưa lớn tại Vĩnh Phúc, cơn bão số 4 vừa qua…”, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia chia sẻ.

Nhiệt độ trung bình trên hầu khắp cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm, trong đó khu vực Điện Biên-Lai Châu cao hơn khoảng từ 0,5-1,0 độ; riêng khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nắng nóng, xảy ra 14 đợt nắng nóng trên diện rộng, ít hơn hẳn so với 2021. Nắng nóng xảy ra muộn so với trung bình nhiều năm ở khu vực Trung Trung Bộ, Nam Bộ, các khu vực còn lại nắng nóng xảy ra xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Các đợt nắng nóng năm 2022 xảy ra trong thời gian ngắn, không kéo dài.

Tổng lượng mưa khu Tây Bắc, Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-20%, còn lại các nơi khác trên cả nước đều ở ngưỡng cao hơn từ 15-50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa mưa tại Bắc Bộ kết thúc ngang trung bình nhiều năm, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ kết thúc muộn. Số ngày mưa vừa, mưa to trên các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.

Số đợt mưa lớn diện rộng là 26 đợt mưa lớn với tần suất xuất hiện các đợt mưa lớn tập trung nhiều nhất trong tháng 4, 9, đây cũng là hai tháng có các đợt mưa xảy ra ở nhiều khu vực trên phạm vi cả nước.

“So với năm 2021, số đợt mưa lớn diện rộng trong năm 2022 ở Bắc Bộ xảy ra nhiều hơn, nhưng ngược lại ở Trung Bộ và Tây Nguyên, số đợt mưa lớn diện rộng lại ít hơn so với năm 2021. Ở Nam Bộ tương đương so với năm 2021”, ông Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, năm 2022, trên khu vực Biển Đông đã có 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (7 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới), số lượng bão/áp thấp nhiệt đới thấp hơn trung bình nhiều năm (12-13 cơn, mùa bão bắt đầu muộn (28/6/2022) và kết thúc sớm (3/11/2022).

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Biển Đông sẽ “đón” khoảng 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nắng nóng nhiều và gay gắt hơn

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, đã chia sẻ về dự báo mùa thiên tai năm 2023.

Theo đó, năm 2023 hiện tượng La Nina còn duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%, sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%, những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINIO3.4 có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.

"Dự báo có khoảng 11-13 cơn Bão và Áp thấp nhiệt đới năm 2023 trên khu vực Biển Đông, 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền, các tháng đầu mùa sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Miền Trung", ông Hưởng cho biết.

Về nhiệt độ, nắng nóng, dự báo các tháng nửa đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Bên cạnh đó, ông Hưởng cũng chia sẻ, dự báo về tổng lượng mưa sẽ ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. Chưa có dấu hiệu mưa lớn lịch sử. Tuy nhiên, mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.

Năm chuyển pha ENSO, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông đề phòng Bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.