Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh là 6.349,7 tỷ đồng.
Tính đến ngày hết ngày 29/2, toàn tỉnh Hải Dương đã giải ngân 366,5 tỷ đồng, đạt 5,8% kế hoạch vốn giao; 2 tháng đầu năm 2024, kế hoạch vốn đã được các cấp phân bổ cụ thể cho các dự án và triển khai kịp thời.
Ông Nguyễn Hải Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương báo cáo tại hội nghị |
Tuy nhiên việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công gặp một số khó khăn, hạn chế do các dự án đều phải báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng tỉnh chưa ban hành bộ đơn giá dịch vụ hoạt động quan trắc và phân tích môi trường. Đơn giá chi phí đo đạc, lập bản đồ thu hồi đất thấp, nhất là các dự án, công trình có diện tích đất thu hồi nhỏ dẫn đến các đơn vị tư vấn đo đạc không tham gia thực hiện.
Bên cạnh đó địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn vật liệu thi công. Một số cơ quan, đơn vị chậm hoàn thành lập, trình thẩm định phê duyệt quyết định đầu tư nên chưa đủ thủ tục phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã phân tích chung về tình hình đầu tư công tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần gấp rút triển khai quy trình đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công năm 2024 nhằm tạo tiền đề cho tỉnh xây dựng danh mục, kế hoạch đầu tư công trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, Hải Dương đang triển khai khối lượng công việc về đầu tư công lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Do vậy, tỉnh thống nhất thành lập đoàn kiểm tra do Giám đốc Sở Giao thông vận tải là trưởng đoàn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các dự án của tỉnh giao cho cấp huyện làm chủ đầu tư. Các dự án cấp huyện sử dụng nguồn vốn do tỉnh hỗ trợ và ngân sách cấp huyện phải bảo đảm triển khai đúng thời gian, tiến độ đề ra, nhất là xây dựng trụ sở làm việc công an cấp xã và phòng học còn thiếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị có phương án bố trí cán bộ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về số lượng, năng lực để việc thẩm định thủ tục, hồ sơ dự án được thuận lợi, không tạo ra điểm nghẽn từ khâu thẩm định. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất dự án đầu tư công cấp thiết, phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công…