Năm 2030, ngày 'đèn đỏ' của phụ nữ sẽ không còn bị kỳ thị

(PLVN) - Vệ sinh kinh nguyệt  không chỉ là một quyền cơ bản của phụ nữ mà còn là một chỉ số quan trọng của sự phát triển bền vững, là vấn đề của toàn xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng có nhiều quy định quan trọng hướng đến quyền lợi của các chị em trong giai đoạn sức khỏe của cơ thể này.

Vệ sinh kinh nguyệt (VSKN) không chỉ là một quyền cơ bản của phụ nữ mà còn là một chỉ số quan trọng của sự phát triển bền vững, là vấn đề của toàn xã hội. Không được tiếp cận đầy đủ các điều kiện VSKN ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận giáo dục, sức khỏe và địa vị xã hội của phụ nữ và trẻ em gái. Điều này dẫn đến hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Thiếu hiểu biết về VSKN ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái và dẫn đến những điều cấm kỵ và kỳ thị tồn tại nhiều trong xã hội. Thực tế, trẻ em gái vị thành niên hiện vẫn đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản được ước tính là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 15-49 tuổi. Ngoài ra, việc trẻ em trai thiếu kiến thức về sức khỏe và VSKN nên chưa hiểu và chia sẻ những khó khăn mà các em gái gặp phải trong kỳ kinh nguyệt, góp phần vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kỵ, kỳ thị hoặc có thái độ, cư xử chưa đúng, khiến trẻ em gái xấu hổ và mất tự tin…

Do đó, Ngày VSKN thế giới được tổ chức vào ngày 28/5 hàng năm, là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo sức khỏe và VSKN cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện hướng tới việc vận động tiếng nói và hành động toàn cầu của các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, khu vực tư nhân, các cơ quan thông tin truyền thông và tất cả mọi người nhằm biến điều khó nói trở thành điều bình thường và những điều cấm kỵ và kỳ thị về VSKN không còn tồn tại trong xã hội vào năm 2030.

Ở góc độ pháp luật, pháp luật Việt Nam cũng có nhiều quy định quan trọng hướng đến quyền lợi của các chị em trong giai đoạn sưc khỏe của cơ thể này. Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ trong ngày "đèn đỏ" có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút và thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Nội dung này cũng được đưa vào Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Ngoài ra nếu người sử dụng lao động không cho lao động nữ nghỉ theo quy định của pháp luật trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị phạt tiền theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Năm 2024, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Qũy Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức hoạt động truyền thông Ngày VSKN thế giới với chủ đề “Biến điều khó nói thành điều bình thường” nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo đảm vệ sinh kinh nguyệt cho phụ nữ và trẻ em gái. Sự kiện này được tổ chức trực tiếp tại Thành phố Hải Phòng từ 8h – 10h ngày 28/5/2024 với sự tham gia của hơn 250 đại biểu các sở, ngành, đoàn thể và giáo viên, học sinh trường THCS Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng và trực tuyến tại hơn 300 điểm cầu của 63 tỉnh/thành trên cả nước với sự tham gia của đại biểu các sở, ngành, đoàn thể và Hội LHPN các cấp, các giáo viên và hơn 30.000 học sinh các trường Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở.

Sự kiện có nhiều hoạt động như chia sẻ kiến thức, kỹ năng về quản lý VSKN; chia sẻ các giải pháp và sáng kiến hay, có hiệu quả thiết thực để quản lý VSKN... nhằm cùng hướng đến một thế giới nơi phụ nữ và trẻ em gái được tiếp cận đầy đủ các thông tin, giáo dục, cơ sở vật chất, dịch vụ về nước sạch và vệ sinh để đảm bảo vệ sinh cá nhân an toàn.

Đọc thêm