Nam thanh niên bị giun dài 30cm 'làm tổ' dưới da

(PLVN) - Từng ăn món gỏi cá, nam thanh niên ở Yên Bái bị ngứa khắp người, đến viện khám thì phát hiện dương tính với nhiều loại giun sán khác nhau.

Khi thấy có biểu hiện ngứa khắp người, anh T.Đ.T (21 tuổi, ở Yên Bái) đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương thăm khám trong tình trạng: Sốt, chóng mặt, nôn, ngứa nhiều, tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da.

Anh T.Đ.T cho biết, trước đây từng ăn gỏi cá. Sau đó có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, nhất là vùng mông, anh gãi đến trầy xước da, gây áp xe mủ.

Tại bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ nhận thấy, phần da dưới đùi, mặt cẳng tay, bụng và lưng của anh T đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển. Sau đó, anh được nhập viện theo dõi với chẩn đoán: Nghi nhiễm giun sán ký sinh trùng (nghi do giun rồng).

Sau khi hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp Tiết niệu và Nam học, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30 cm. Sau đó, anh T được chuyển lại Khoa Nhiễm khuẩn Tổng Hợp tiếp tục theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết, bệnh nhân T.Đ.T đã được làm huyết thanh chẩn đoán các loại giun sán, ký sinh trùng khác và dương tính với khá nhiều loại giun sán gồm: Sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo. Hiện tại, bệnh nhân được theo dõi các tổn thương ở các vị trí trên cơ thể...

Theo GS.TS. Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, giun rồng thời gian ủ bệnh kéo dài 10-14 tháng, nên trong vòng một năm mắc giun rồng sẽ khó nhận biết bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng gì. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm bệnh.

Người nhiễm giun này thường bị viêm dị ứng rất mạnh, tổn thương nóng, đỏ, đau tại nhiều vị trí. Nếu giun chui vào cột sống hoặc khớp và chết tại đó sẽ gây cứng, thoái hóa khớp, cột sống, vôi hóa cơ, làm tê liệt tủy sống, liệt nửa người.

Cách điều trị duy nhất là lấy giun rồng ra, hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước vàng trên da. Bệnh nhân phải mất 5-7 ngày, thậm chí hàng tháng mới lôi hết giun rồng ra khỏi cơ thể.

Để phòng bệnh, mọi người cần tuân thủ ăn chín, uống sôi, vệ sinh môi trường sạch sẽ, nấu chín kỹ các thực phẩm thủy sinh như ếch, cá, tôm; dùng riêng các dụng cụ để chế biến thực phẩm chín và sống như thớt, dao, máy xay, bát, đĩa và vệ sinh tay sau khi chế biến thực phẩm sống. Ngoài ra, không cho chó, mèo ăn sống các thực phẩm thủy sinh (ếch, cá, tôm...) chưa được nấu chín.

Đọc thêm