Nan giải an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các khu nhà trọ cũ

(PLVN) - Thời gian qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để siết chặt quy định và tăng cường kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, thực trạng tại các khu nhà trọ lâu đời, chật chội, nằm sâu trong các con hẻm nhỏ vẫn là bài toán nan giải.
Một số khu nhà trọ cũ tại TP Hồ Chí Minh không đạt chuẩn PCCC nhưng “nan giải” trong xử lý. (Ảnh: TB)

Khoảng 185.000 người đang thuê các phòng không đạt chuẩn

Trong năm 2024, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm siết chặt công tác PCCC, đặc biệt là đối với hình thức nhà trọ, căn hộ có nhiều người ở, như việc ban hành những văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý PCCC, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, nhà trọ có nhiều người ở; Thường xuyên kiểm tra PCCC và cứu nạn, cứu hộ với nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ có nhiều người; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC…

Mới đây, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất nội dung nhà trọ ở thành phố muốn hoạt động phải đảm bảo diện tích sàn tối thiểu là 4m2/người và phải đảm bảo các quy chế có liên quan về PCCC nhằm nâng cao tiêu chí an toàn. Tuy nhiên, đối với một số khu nhà trọ cũ, giá rẻ, được xây lâu đời dành cho người thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo nghiêm được quy định an toàn PCCC là chuyện không dễ dàng, khi mà hiện trạng đã cố định như thế từ nhiều năm nay.

Tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời số thứ 12 với chủ đề: “Cấp giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng” mới diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ trên số liệu khảo sát của Sở trong năm 2024, hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng gần 60.000 công trình nhà ở riêng lẻ cho thuê với hơn 629.000 phòng cho thuê. Trong số đó, có khoảng 555.000 phòng (chiếm 88,2%) đáp ứng tiêu chuẩn diện tích sàn tối thiểu 4m²/người, còn lại 74.000 phòng (chiếm 11,8%) không đạt chuẩn. Số phòng không đạt chuẩn này bao gồm khoảng 9.000 phòng là nhà trọ độc lập và khoảng 65.000 phòng là nhà ở riêng lẻ kết hợp cho thuê trọ. Hiện tại, khoảng 185.000 người đang thuê các phòng không đạt chuẩn, tập trung chủ yếu tại các quận 7, 12, Tân Phú và TP Thủ Đức.

“Tiến thoái lưỡng nan”

Có thể dễ dàng tìm thấy các dãy nhà trọ trong hẻm nhỏ, khu vực vùng ven ở TP mà phòng ở được dựng tạm từ những gỗ ghép, vách tôn theo kiểu tạm bợ. Diện tích các dãy phòng trọ cũ thường là nhỏ hẹp, chỉ 8 - 12m2 nhưng đôi khi là chỗ ở, sinh hoạt cho cả một gia đình nhiều thành viên, chồng chất đồ đạc dễ cháy như quần áo, giấy tờ và thiết bị điện gia dụng cũ kỹ.

Như gia đình anh Trương Văn Tùng, quê Sóc Trăng, gồm 4 người sống tại một nhà trọ xập xệ hơn 9m2 ở khu vực gần kênh Tàu Hũ, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Căn phòng chồng chất đồ đạc, phần là đồ sinh hoạt, phần là đồ bán hàng rong của vợ anh. Anh Hùng cho biết, tuy điều kiện sống chật chội, có nguy cơ cháy nổ, nhưng gia đình anh vẫn bám trụ nhiều năm nay vì giá thuê rất rẻ so với thị trường, chỉ có 1,2 triệu đồng. Hai vợ chồng lao động tay chân, nghề nghiệp bấp bênh lại nuôi hai con nhỏ, anh chỉ có thể kham nổi chi phí tối đa như thế này cho chỗ ở. Anh Hùng cũng bày tỏ lo lắng nếu những khu nhà trọ như thế này giải tỏa, chỉ toàn khu mới, tiêu chuẩn cao, anh và vợ không biết phải “đi đâu, về đâu”.

Không chỉ tạm bợ, chật chội, tại các khu nhà trọ kiểu cũ này, hệ thống điện tại đây thường được đấu nối chằng chịt, không đảm bảo an toàn, dễ gây ra chập cháy. Nhiều nhà trọ không có lối thoát hiểm hợp lý, nằm trong những con hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy, khiến lực lượng cứu hỏa gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường khi có sự cố.

Mặt khác, dù đã có quy định lắp đặt thiết bị báo cháy, bình chữa cháy và các biện pháp an toàn khác, thế nhưng việc bảo trì và sử dụng các thiết bị này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bà Nguyễn Thị Kim T., chủ một dãy nhà trọ cũ xây từ trước năm 2000 trên địa bàn quận 12 bày tỏ: “Hồi đó gia đình tôi gom góp tiền xây dãy phòng trọ này, xây nhỏ, lối đi hẹp để tiết kiệm diện tích, mỗi phòng tính giá rẻ cho công nhân dễ ở. Bây giờ nếu có quy định mới, về đảm bảo 4m2/người thì buộc phải giảm số người thuê trong mỗi phòng, cũng tội cho khách thuê. Nhưng khó nhất là điều kiện về hành lang, lối đi… hiện trạng nhà đã như vậy từ xưa, đập đi xây lại thì không có tiền, mà không được kinh doanh thì coi như kế sinh nhai của gia đình tôi bị ngưng lại”.

Hiện không ít chủ của các khu nhà trọ cũ rơi vào tình trạng như trên, không có điều kiện tài chính để nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong khi việc buộc người lao động nghèo chuyển đi nơi khác không chỉ gây khó khăn cho họ mà còn có thể làm gia tăng tình trạng thiếu chỗ ở giá rẻ. Trước vấn đề này, Sở Xây dựng đã đề xuất yêu cầu các chủ sở hữu có tiến độ cải tạo, sửa chữa để đạt chuẩn. Đồng thời, không áp dụng các biện pháp tháo dỡ hoặc đóng cửa ngay lập tức để tránh gây xáo trộn cuộc sống dân cư. Sở cũng đề xuất các biện pháp hỗ trợ như vay ưu đãi, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền điện, nước và các chính sách ưu đãi về thuế đối với các chủ nhà trọ cũ.

Để giải quyết bài toán nan giải về an toàn PCCC tại các khu nhà trọ cũ ở TP Hồ Chí Minh, còn cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ nữa, như việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và hướng dẫn, tập huấn về PCCC, về lâu dài cần tập trung phát triển mô hình nhà trọ bình dân nhằm đảm bảo tiêu chuẩn PCCC ngay từ đầu, đồng thời giữ mức giá thuê hợp lý để thay thế dần các khu nhà trọ cũ.

Đọc thêm