Tranh chấp đầu tư quốc tế - không đùa với đống lửa âm ỉ cháy: Kỳ cuối
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng và Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 (Quyết định số 1063/QĐ-TTg ngày 14/6/2016). Thực hiện Đề án này, từ tháng 8/2016 đến nay, mỗi năm Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn về pháp luật đầu tư, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho khoảng 150 -200 công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương.
Vấn đề là phải phối hợp thông tin
Theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và là Cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.
Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế khẳng định, để giảm sự bị động của Chính phủ trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, công tác thông tin, phối hợp ngay từ giai đoạn tiền tranh chấp là rất quan trọng để có thể dự đoán trước được khả năng khởi kiện chính thức của nhà đầu tư, từ đó có phương án chuẩn bị sẵn sàng khi nhà đầu tư chính thức gửi Thông báo trọng tài.
|
Một lớp tập huấn Chuyên sâu về phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước ở các tỉnh miền Trung do Bộ Tư pháp tổ chức hồi tháng 9/2019 |
Theo quy định tại Điều 10 quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg, trong quá trình giải quyết khiếu nại hoặc tham vấn với Nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan phải ngay lập tức báo cáo về vụ việc bị khiếu nại hoặc tham vấn cho cơ quan cấp trên trực tiếp của mình và Cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ nếu xét thấy: Biện pháp bị khiếu nại hoặc tham vấn có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật hoặc cam kết với Nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư nước ngoài; hoặc Không thể giải quyết dứt điểm khiếu nại của Nhà đầu tư nước ngoài; hoặc Có khả năng phát sinh vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế
Đồng thời, Điều 10 cũng quy định cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc tham vấn với nhà đầu tư phải thường xuyên thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tham vấn cho Cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ (là Bộ Tư pháp theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg), các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp theo tiến trình giải quyết vụ việc.
Do vậy, Bộ Tư pháp cho rằng rất cần các Bộ, ngành và địa phương quan tâm đến vấn đề thông tin, phối hợp trong quá trình giải quyết khiếu nại, tham vấn với nhà đầu tư theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg nêu trên để đảm bảo hiệu quả công tác phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, tránh việc bị đưa vào thế bị động trong các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế.
Thêm vào đó, do các thời hạn tố tụng trong trọng tài quốc tế thường rất ngắn, do vậy, để đảm bảo đáp ứng được thời hạn trong tố tụng, cần giảm bớt các yêu cầu về hành chính trong hoạt động phục vụ công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu thầu lựa chọn công ty luật, đảm bảo có thể lựa chọn được công ty luật tốt tham gia vào vụ kiện ngay từ giai đoạn đầu nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của Chính phủ Việt Nam.
|
Khoá Tập huấn nâng cao năng lực về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế về phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam do Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hồi tháng 4/2019 |
Cần nâng cao nguồn lực
Từ thực tế tham gia các vụ tranh chấp đầu tư nước ngoài, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc nâng cao năng lực cho các cán bộ chuyên trách về giải quyết tranh chấp cần được tiến hành thường xuyên ở cả cấp trung ương và địa phương và từng bước vươn tới xứng tầm quốc tế, sớm xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có khả năng tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trực tiếp. Đồng thời, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng đầu tư bồi dưỡng cho các cán bộ tham gia các khóa học quốc tế và trong nước về ISDS, tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tại các công ty luật trong và ngoài nước (các kỹ năng quản lý vụ kiện, giải quyết các tình huống pháp lý, sắp xếp tài liệu…).
Bên cạnh đó, cần chú trọng và tăng cường công tác xây dựng và nâng cao năng lực cho cán bộ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở trung ương và địa phương.
"Vụ Pháp luật quốc tế cho rằng Chính phủ và cơ quan nhà nước cần xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế ngay từ giai đoạn đầu phát sinh bất đồng, tranh chấp… Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài và giảm thiểu rủi ro về việc các nhà đầu tư không thiện chí sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư để gây sức ép lên Chính phủ, cần chú trọng đẩy mạnh công tác sàng lọc nhà đầu tư, cần có tham vấn các vấn đề pháp lý từ quá trình ký kết các hợp đồng, cam kết với nhà đầu tư"
(Ông Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp)