Chuyển biến tích cực về chất lượng
Thực hiện “Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020”, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, trọng tâm là thực hiện 8 giải pháp.
Theo đó, các nhà trường trong toàn quân xây dựng, hoàn thiện đề án kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đến năm 2015 và những năm tiếp theo, nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội... Tiếp tục triển khai đề án đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong quân đội giai đoạn 2013-2016 và định hướng đến năm 2020.
9 năm qua, công tác GD, ĐT đã có nhiều đổi mới, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng, từng bước hòa nhập với hệ thống GD-ĐT quốc gia. Hệ thống nhà trường Quân đội được quy hoạch theo hướng tinh, gọn, ổn định về tổ chức biên chế, nhiệm vụ. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý tiếp tục được kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng theo hướng chuẩn hóa.
Công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được triển khai tích cực, sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy học từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại, khoa học, sát với thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nhất là hệ thống thao trường, bãi tập tiếp tục được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật được quan tâm, duy trì chặt chẽ thành nền nếp.
Các học viện, nhà trường đã tích cực triển khai nhiều biện pháp, khích lệ các nhà giáo, cán bộ quản lý, học viên, sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Các đề tài nghiên cứu có tính khả thi cao, sát với thực tiễn, phục vụ trực tiếp công tác GD, ĐT, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động của đơn vị.
Bộ Quốc phòng (BQP) đã đề nghị Bộ LĐ-TB&XH Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Thông tin; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thành lập hai trường cao đẳng (Kỹ thuật Phòng không-Không quân, Biên phòng); giải thể 6 trung tâm dạy nghề-giới thiệu việc làm và 7 trường trung cấp nghề; xây dựng phương án, đề xuất thủ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH giải thể 15 trường cao đẳng nghề quân đội.
Tiếp tục đổi mới
Tuy nhiên, công tác GD, ĐT trong các nhà trường quân đội còn chưa đáp ứng yêu cầu. Chương trình đào tạo cán bộ các cấp có nội dung môn học còn trùng lặp; việc thỉnh giảng truyền thụ kinh nghiệm của các nhà trường chưa nhiều; tổ chức diễn tập, phương pháp huấn luyện chưa sát với nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; công tác tham mưu tác chiến của một số học viên còn yếu, kết quả bắn đạn thật chưa cao; kỹ năng về quản lý, chỉ huy đơn vị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tổ chức bảo đảm an toàn trong huấn luyện có nội dung chưa chặt chẽ; huấn luyện, rèn luyện ngoại khóa cho các đối tượng đào tạo theo chức vụ cấp chiến thuật-chiến dịch còn ít, kết quả chưa cao. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên còn hạn chế. Hiện chỉ có 37,44% giáo viên có chứng chỉ ngoại ngữ bậc 1, 2; trình độ tin học nâng cao là 8,22%.
Triển khai chỉ thị của Bộ Quốc phòng về nâng cao chất lượng GD, ĐT của các trường quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thượng tướng, TS. Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, để nâng cao chất lượng GD, ĐT năm học 2019-2020, các cơ quan, đơn vị, học viện, trường trong quân đội cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, cần tăng cường công tác kiểm tra thực hành huấn luyện, thực tập, diễn tập của các đối tượng đào tạo. Tập trung thanh tra, kiểm tra, phúc tra thực hành theo đối tượng; kiểm định chất lượng GD, ĐT, đánh giá thực chất kết quả GD, ĐT và xây dựng chính quy của các trường.
Thực hiện phương châm dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất kết quả học tập của học viên, chống bệnh thành tích trong GD, ĐT, kiên quyết loại những học viên không đủ điều kiện về sức khỏe, kết quả học tập, rèn luyện yếu, kém, không đủ điều kiện để học tập.
Ngoài ra cần đầu tư xây dựng trước 4 học viện, trường (Học viện Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Không quân) theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc CMCN 4.0” gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, tạo sự liên thông trong huấn luyện, quản lý, điều hành giữa các cơ quan, đơn vị và các trường; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng và sử dụng bản đồ số trong huấn luyện chiến thuật, thực hành, thực tập cho từng đối tượng.
“Chiến lược phát triển GD-ĐT trong quân đội giai đoạn 2011-2020” (gọi tắt là Chiến lược) được phê duyệt năm 2013.
Chiến lược có 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung điều chỉnh, quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội, xác định nhiệm vụ, tổ chức biên chế các học viện, trường phù hợp với tổ chức lực lượng quân đội thời bình; xây dựng các học viện trọng điểm quốc gia; hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung chương trình khung giáo dục đại học; Chương trình khung đào tạo cán bộ theo chức vụ và chương trình khung đào tạo sau đại học…
Giai đoạn 2016-2020, tập trung hoàn chỉnh xây dựng các trường trọng điểm và quy hoạch hệ thống nhà trường toàn quân; Rà soát, thẩm định việc điều chỉnh chương trình đào tạo trình độ đại học; Tiếp tục triển khai và hoàn thành Đề án và mục tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (đến năm 2020 có 100% giảng viên các học viện, trường sĩ quan, đại học có trình độ đại học, trong đó có trên 60% trình độ sau đại học (có 25% trở lên là tiến sĩ), thực hiện 100% giảng viên giảng dạy đại học có trình độ sau đại học; 90% giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp, trường quân sự quân khu, quân đoàn có trình độ đại học, trong đó có 25% sau đại học.