Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền để nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam, nhiệm vụ “nghe dân nói” trong những năm qua được MTTQ các cấp rất quan tâm, đạt hiệu quả thiết thực.
Theo đó, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã triển khai việc tổng hợp dư luận trên báo chí, mạng xã hội hằng tuần, báo cáo tình hình nhân dân hằng quý, báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội, báo cáo tình hình nhân dân về Đại hội Đảng các cấp.
Đây cũng là kênh phát huy quyền làm chủ tiếng nói của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, góp phần tích cực vào định hướng dư luận xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Khánh Tài, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục.
Điển hình là cơ chế, phương thức nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân và dư luận xã hội còn nhiều bất cập; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận nói chung, cán bộ được phân công nhiệm vụ nắm bắt, tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân nói riêng thiếu bài bản, ít được tập huấn…Những hạn chế này dẫn đến việc nắm bắt tình hình dư luận dù được nhiều cơ quan triển khai, báo cáo, nhưng khi xảy ra vấn đề vẫn bị động, bất ngờ.
Tại hội nghị, các học viên đã được tiếp thu những vấn đề cơ bản về vai trò, ý nghĩa của công tác nắm bắt tình hình nhân dân và dư luận xã hội nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp; phương pháp nắm bắt, tổng hợp, phân tích ý kiến, dư luận nhân dân cũng như đưa ra các dự báo chính xác, tránh bị động, bất ngờ khi xảy ra các tình huống, phản ứng tiêu cực trong xã hội.
Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, dư luận của nhân dân phải đảm bảo tin cậy, khách quan, trung thực, khoa học, mang tính đại diện và kịp thời.