Nền móng của Đảng
Với vị trí là nền tảng của Đảng, TCCSĐ (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự vững mạnh và năng lực lãnh đạo của Đảng. Bởi đây là nơi trực tiếp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cơ sở đồng thời là nơi kiểm nghiệm và góp phần quan trọng vào việc hình thành, phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thông qua những kinh nghiệm phong phú của đội ngũ đảng viên và quần chúng Nhân dân.
Nói về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của TCCSĐ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt”. Người còn nhấn mạnh: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”.
Trong quá trình xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng.
Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cho biết: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ chuyển biến tích cực. TCCSĐ kiện toàn, từng bước bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Ðảng ở cơ sở. Chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy chuyển biến tích cực; dân chủ trong Ðảng và trong xã hội được mở rộng hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít TCCSĐ còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên. Một số cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa thật sự vững vàng, vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu…
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhận định: “Công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Những hạn chế, khuyết điểm trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là do năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ chưa cao; chưa có giải pháp hiệu quả nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng.
Ngăn ngừa, khắc phục thiếu sót
Giải quyết những tồn tại này, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta đã đề ra phương hướng chung là “Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ…Kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở”.
Để thực hiện điều này, các cấp ủy phải quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng, chủ động dự báo tình hình để kịp thời trang bị những thông tin có định hướng của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi cá nhân; kiến quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, phản động, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Bên cạnh đó, cấp ủy phải kịp thời phát hiện những cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác; có biện pháp cụ thể để phòng ngừa, giáo dục, giúp đỡ và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm; giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của đảng viên và quần chúng; bảo vệ những cán bộ tốt, những người trung thực, thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực.
Sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở cơ sở có chất lượng cũng là nhân tố rất quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Đảng bộ, chi bộ cơ sở vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tổ chức đảng cấp trên sẽ vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngược lại, nếu như đảng bộ, chi bộ ở cơ sở yếu kém thì tổ chức đảng cấp trên không thể vững mạnh. Trên thực tế, chỉ cần một vài đảng bộ, chi bộ yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng cấp trên.
Ngoài những giải pháp trên, các cấp ủy cũng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đảng viên; dựa vào dân để xây dựng Đảng. “Phải làm mạnh hơn, tập trung đấu tranh, ngăn chặn những yếu kém, tiêu cực trong Đảng” như nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2019, bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 vừa diễn ra.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra; khắc phục ngay tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác kiểm tra...
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, để giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ có vai trò đặc biệt quan trọng.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên là nhiệm vụ căn cốt để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Bởi “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”.