350 tỷ đồng nâng cấp, phát triển hạ tầng
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được thành lập năm 2005 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. KKT này còn được biết đến với sự sự ra đời của Nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước - Dung Quất.
Sau gần 20 năm hoạt động, KKT Dung Quất đóng góp vào ngân sách Trung ương khoảng 175.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80-90% tổng thu ngân sách hàng năm của Quảng Ngãi. Tuy nhiên, kinh phí để đầu tư hạ tầng cho KKT này còn rất hạn chế. Theo thống kê của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi, hạ tầng giao thông tại đây chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu vận chuyển.
|
Nhiều tuyến đường trọng yếu KKT Dung Quất xuống cấp nặng. |
Hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất gồm khoảng 120km đường trục chính và nội khu, được xây dựng từ lâu nhưng ít được duy tu, sửa chữa. Hiện nhiều tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đi một vòng quanh KKT Dung Quất hiện có thể thấy những con đường đất, đá lởm chởm với nhiều ổ gà, ổ voi.
Tuyến đường số 3 phía tây Dung Quất, đoạn nối tuyến Dốc Sỏi - Dung Quất đến vòng xoay Thiên Đàng nối liền tuyến đường Chu Lai - Kỳ Hà (ranh giới tỉnh Quảng Nam) bị sụt lún nền đường trên diện rộng. Hầu như cả tuyến đều bị hư hỏng mặt đường, với hàng loạt vũng, ổ voi… gây khó khăn cho phương tiện và người dân đi lại. Không chỉ vậy, các tuyến giao thông huyết mạch dẫn vào KKT như QL 24C cùng nhiều tuyến đường trọng yếu khác trong tình trạng tương tự.
|
Mặt đường vỡ nát ở KKT Dung Quất. |
Người dân ở đây cho biết, mặt đường vốn là nền nhựa, nhưng bị bong tróc, hư hỏng liên tục nên được “chữa cháy” nhiều lần bằng đắp đá cấp phối. Mùa nắng bụi tung mù mịt, còn mùa mưa thì chỉ cần một cơn mưa lớn, con đường biến thành những cái ao rộng nối dài, xe ô tô con không dám chạy. Ở đoạn ngã tư đến bãi biển Khe Hai (xã Bình Thạnh) người dân phải dựng trụ, vật cản ở 2 đầu đường để hạn chế tốc độ xe qua lại, tránh gây nguy hiểm cho người đi đường.
Theo lãnh đạo KTT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư để đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng hiện hữu và đầu tư mới các công trình là rất cần thiết. Do đó, đơn vị đã đề xuất tỉnh Quảng Ngãi phân bổ nguồn vốn để thực hiện.
Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt chủ trương, UBND tỉnh thống nhất triển khai dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn KKT Dung Quất, với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng. Dự án được cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 từ nguồn vốn ngân sách địa phương là 100 tỷ đồng. Phần vốn còn lại của dự án sẽ được tiếp tục bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2026-2030.
|
Hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu vận chuyển. |
Cụ thể, nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới tuyến đường Trì Bình - vòng xoay Thiên Đàng (dài khoảng 3,4km); tuyến vòng xoay Thiên Đàng - Chu Lai (dài khoảng 1,8km); tuyến nối Quốc lộ 1A - Tịnh Phong - Bình Tân, giai đoạn 1 (dài khoảng 1,5km); tuyến Lâm Viên-Vạn Tường (đầu tư mới đoạn cuối tuyến dài khoảng 1,1km).
“Đây là các dự án giao thông mang tính định hình, tăng kết nối với các tuyến đường hiện hữu. Việc đầu tư mới các dự án giao thông sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở KKT Dung Quất và thu hút đầu tư”, lãnh đạo KKT Dung Quất, KCN Quảng Ngãi nói.
Động lực thu hút đầu tư
Việc tỉnh Quảng Ngãi ban hành nghị quyết phân bổ nguồn vốn lên đến 350 tỷ để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất cho thấy tỉnh này đang từng bước cụ thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 được Thủ tướng phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho hay, dự án trên có ý nghĩa quan trọng, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, bảo đảm kết nối thông suốt KKT Dung Quất và các khu vực xung quanh.
|
Quảng Ngãi chi 350 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất được cho là bước đột phá, tăng cường kết nối nhằm tạo động lực thu hút đầu tư. |
Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn giao thông cho người dân trong khu vực.
“Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi với vai trò là chủ đầu tư dự án tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết theo thứ tự ưu tiên. Cần chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án”, ông Hiền yêu cầu.
KKT Dung Quất nằm giữa hai đầu đất nước, có hệ thống giao thông trục chính được đầu tư đồng bộ; đường quốc lộ, cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam đi qua; cách đường hàng hải quốc tế 90km, cách đường hàng hải nội địa 30km; là cửa ngõ ra Biển Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây; nằm cạnh sân bay Chu Lai và KKT mở Chu Lai... Đặc biệt, Dung Quất có hệ thống bến cảng chuyên dụng, cảng tổng hợp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 200.000 DWT, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu ra quốc tế.
|
Dung Quất có lợi thế cảng nước sâu. |
Thời gian qua, có không ít “đại bàng” trong và ngoài nước đã chọn lựa đầu tư vào Dung Quất và có bước phát triển vượt bậc như Doosan, Hòa Phát, Lọc hóa dầu…
“Hướng đi của Dung Quất vẫn là đầu tư, phát triển thành KKT ven biển chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực; hình thành tuyến container tại cảng Dung Quất; quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”, lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất nói.