Trước tình hình này, việc báo chí phản ánh có hiện tượng bán định mức, bán nhỏ giọt, đóng cửa “găm hàng” chờ tăng giá là có thật. Điều này, có trách nhiệm quản lý. Bộ Công Thương liên tục khẳng định sẽ bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường. Tuy nhiên, việc để xảy ra cảnh đóng cửa nghỉ bán, bán nhỏ giọt tái diễn thì nhiều chuyên gia cho rằng cần xem lại hiệu quả, hiệu lực quản lý của Bộ này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm toàn diện trong lĩnh vực xăng dầu từ việc đảm bảo nguồn cung ra thị trường đến phân phối, tiêu thụ... Bộ được giao thẩm quyền, trách nhiệm rất cao trong lĩnh vực này nhưng nhìn vào thực tế thời gian qua dường như họ chưa sử dụng hết thẩm quyền nên xảy ra việc nguồn cung không đảm bảo như phản ánh.
Mặc dù Bộ Công Thương này cũng có đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng với các phương án cả trong nước và nhập khẩu nhưng tình trạng thiếu cục bộ vẫn chưa cải thiện, diễn ra nhiều ngày. Trong các giải pháp có hai động thái rốt ráo khi xảy ra những bất cập trên thị trường xăng dầu vừa qua, đó là thúc đẩy tăng công suất các nhà máy lọc hóa dầu, tăng kiểm tra thanh tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, chưa thấy phát hiện găm hàng thì điều này cần xem lại hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Giống như ngành điện, quản lý xăng dầu quan trọng nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn cung, không để thị trường thiếu hụt. Còn chuyện tăng giá là câu chuyện “tính tiếp”. Việc để thiếu hụt ảnh hưởng rất lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, xã hội. Nhà nước đã giao cho Bộ Công Thương công cụ, chính sách để quản lý thị trường, đảm bảo thông suốt sản xuất, nguồn cung, phân phối thì trách nhiệm của Bộ rất lớn.
Khi có dấu hiệu bất thường, việc tăng cường thanh kiểm tra là cần thiết. Xuyên suốt hiện tượng bất cập trên thị trường xăng dầu vừa qua, không nằm hoàn toàn ở câu chuyện giá cả mà là “trục trặc” trong vấn đề nguồn cung. Tất cả đều là tầm nhìn, dự báo để chủ động cũng là tầm nhìn.
Chính phủ đã ban hành các công cụ, cơ chế chính sách quản lý pháp luật và giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng. Chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống là thuộc thẩm quyền phải làm hết, làm đúng, làm đủ. Xăng dầu là một trong những mặt hàng “sát sườn”. Xăng tăng, hàng hóa khác sẽ tăng, đe dọa đến cả bình ổn vĩ mô chứ không hề đơn giản.