Tham dự Đại hội có đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía NCB có ông Nguyễn Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Thế Hiệp – Tổng Giám đốc và các thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành.
Về phía cổ đông, có đông đảo cổ đông có quyền biểu quyết và đặc biệt là có sự theo dõi họp trực tuyến của ông Kido Tamaki - thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020 – 2025 từ Nhật Bản.
Cổ đông biểu quyết tại ĐHĐCĐ NCB 2021. |
Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả kinh doanh của NCB năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021; Kết quả hoạt động của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát năm 2020 và trọng tâm hoạt động năm 2021; Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán…
Giảm lợi nhuận chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song hoạt động của NCB vẫn đảm bảo liên tục, thông suốt, ổn định, an toàn, hiệu quả với những kết quả tích cực.
Theo đó, NCB hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 do ĐHĐCĐ giao; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước (NSNN); Đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cổ đông và người lao động... Bên cạnh đó, NCB cũng thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng, chủ động giảm thu nhập, giảm lãi suất, miễn một số loại phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Kido Tamaki - Thành viên HĐQT độc lập theo dõi ĐHĐCĐ NCB 2021 từ Nhật Bản |
Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản đạt gần 90.000 tỉ đồng, tăng 11,5% so với đầu năm 2020; huy động vốn tăng 22,1%, cho thấy uy tín và niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu NCB ngày càng tăng; dư nợ cho vay cũng tăng trưởng tốt theo hạn mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019, lũy kế cả năm 2020 đạt mức 850 tỉ đồng; cùng với đó là hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán và kinh doanh ngoại hối có mức tăng trưởng khởi sắc, qua đó, đưa tổng thu nhập thuần tăng 23,7% so với cuối năm 2019.
Đặc biệt, trong năm 2020 cũng đánh dấu một số điểm sáng trong hoạt động của NCB như: Đáp ứng các quy định Basel II; Triển khai e-KYC trên NCB iziMobile; Chuyển đổi 100% thẻ từ ghi nợ nội địa sang thẻ chip…
Tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng
Từ những kết quả khả quan đã đạt được cùng tiềm lực sẵn có, HĐQT NCB đã trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2021, thể hiện sự nỗ lực chinh phục những mục tiêu thách thức hơn. Các chỉ số quan trọng này đều nhận được sự đồng thuận từ đa số cổ đông.
Cụ thể, Ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối năm 2020; tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được NHNN cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; Huy động từ khách hàng đạt 80.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, các chỉ số liên quan tới hoạt động an toàn và lành mạnh như tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR vẫn được NCB chú trọng cải thiện, cam kết đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của NHNN.
Chia sẻ tại Đại hội, đại diện lãnh đạo NCB cho biết: Ngân hàng sẽ tăng vốn lên hơn 7.000 tỷ đồng từ việc chào bán 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị chào bán tương đương 1.500 tỷ đồng và phát hành 3.000 trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu dự kiến phát hành tương đương 3.000 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục đầu tư trọng điểm cho các dự án chuyển đổi số, nhằm tăng cường số hóa các sản phẩm bán lẻ, hỗ trợ khách hàng thực hiện giao dịch an toàn, hiệu quả và miễn phí. Tiêu biểu, ngân hàng sẽ nâng cấp hạ tầng công nghệ, corebanking, NCB iziMobile, e-KYC, InternetBanking; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hệ thống Core Thẻ mới và đưa vào golive hệ thống Thẻ tín dụng quốc tế, Open API…