Sự kiện Triển lãm ảnh phim “Tráng màu hạnh phúc” là sản phẩm của một nhóm sinh viên trong lớp của cô, đã thành công thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, người nước ngoài, giới chuyên môn và giới không chuyên trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Giáo dục trải nghiệm – tăng thực tiễn giảm lý thuyết, là một cách giáo dục có hiệu quả thực sự. Người học có cơ hội thử thách, khám phá, bộc lộ các năng lực khác nhau của bản thân, rèn luyện khả năng tư duy, phân tích, đánh giá khi gặp vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, để tổ chức những khóa học thực tiễn không hề đơn giản.
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đỗ Thị Biên Thùy – phụ trách truyền thông của BTC buổi triển lãm chia sẻ: “Với ít ỏi kinh nghiệm tổ chức sự kiện và hầu như không có kiến thức gì về nhiếp ảnh, khi quảng bá về sự kiện, chúng em đã gặp rất nhiều ý kiến chỉ trích, đánh giá khắt khe từ giới chuyên môn. Lần đầu đối mặt với khủng hoảng truyền thông, cả nhóm đều hoang mang. Nhưng với sự hướng dẫn của cô giáo và các cố vấn khác của chương trình, chúng em đã xử lý được và tổ chức sự kiện như hôm nay. Đó là một bài học đắt giá”.
Cũng tại buổi triển lãm, khách mời, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhận định: “Cái hay của buổi triển lãm này chính là sự hồn nhiên của tuổi trẻ, cái hồn nhiên rất bản năng và xúc cảm, không hề theo bất cứ lối mòn nào của trường lớp. Tôi tin rằng trải nghiệm thực tế là một điều cần thiết trong giáo dục tại trường học. Tuy vậy, có thể nâng cao chất lượng bài học bằng cách cho các sinh viên tương tác nhiều hơn với ý kiến chuyên gia, những người có kinh nghiệm, qua các buổi ngoại khóa, để các bạn bổ sung, tư duy những kiến thức chuyên môn và rút kinh nghiệm trước khi đưa ra sản phẩm cuối cùng”.
Quả thực, những môn học thực tế luôn mang đến cho học sinh, sinh viên nhiều cái được cái hay hơn là cái mất. Tuy vậy, vốn quen theo lối giáo dục truyền thống, sinh viên vẫn rất ngại thực hành. Hơn nữa, để có một sản phẩm thực tế đạt hiệu quả, chất lượng sẽ tiêu tốn của các bạn rất nhiều thời gian, ít thì vài tháng, nhiều thì đến cả năm. Đây được cho là môn học “vất vả nhất” trong chương trình học của sinh viên báo chí và truyền thông.
Bên cạnh đó, còn nhiều giáo viên vẫn ý thức rằng, những môn học thực tế tạo điều kiện cho học sinh “chơi nhiều hơn học”, nên vẫn sử dụng những phương pháp học tập cũ, đọc – chép thụ động, thiếu sức sống, thiếu tương tác thực tế, gây nhàm chán và hạn chế tư duy của người học. Mặt khác, các sự kiện đều cần sự cho phép của nhà trường, trong nhiều trường hợp, giáo viên phải đứng ra trực tiếp bảo lãnh để các sinh viên thực hiện. Nội dung và hình thức đều có nhiều hạn chế, nhằm tránh không động chạm những vấn đề chính trị, xã hội nhạy cảm.
Từ một góc nhìn khác thì chúng ta có thể nhận ra rằng học đi đôi với hành luôn có hiệu quả tốt hơn rất nhiều. Nhưng với phương pháp “ném học sinh ra ngoài thực tế” mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, kế hoạch rất có thể làm cho sinh viên bị lạc hướng, làm mất đi cái giá trị của một bộ môn nghệ thuật.