Phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sáng qua (15/6) xoay quanh những vấn đề đang là những “điểm nóng” được cư tri quan tâm. Ngoài việc giải trình cho rõ các vấn đề, Phó Thủ tướng cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể của Chính phủ.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn |
“Có trách nhiệm của Chính phủ”
Tình trạng hoạt động của tập đoàn, Tổng công ty (TĐ,TCT) Nhà nước vẫn “hâm nóng” nghị trường nhiều ngày qua tiếp tục được ĐBQH đưa ra chất vấn Phó Thủ tướng. Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) về trách nhiệm của Chính phủ đối với khuyết điểm và đổ bể các TĐ, TCT như PM18, Vinashin, Vinalines và lo ngại “không chống tham nhũng Việt Nam sẽ khó phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định, “mỗi một thất thoát, mỗi một hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội, một con tàu đang đi ngoài khơi bị chìm, đến những máy bay bị nổ đều liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ, đến các bộ, ngành liên quan rất rõ”.
Nhận thức được vấn đề này nên để phát huy nguồn lực quan trọng của các TĐ, TCT Nhà nước trong xây dựng đất nước, chống thất thoát, lãng phí trong thời gian tới, “Chính phủ đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết, đặc biệt xây dựng một chương trình quản lý tốt hơn, có hiệu quả hơn các TĐ , TCT Nhà nước” – Phó Thủ tướng cho biết.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) quan tâm đến việc một số TĐ, TCT “phải công bố thông tin giống như các Cty niêm yết thị trường chứng khoán, nhưng đến nay không làm, mà chỉ khi nào thanh tra mới biết được nó hư cái gì, đầu tư cái gì”.
Cũng khẳng định, các TĐ, TCT phải công khai, minh bạch việc kinh doanh trong thời gian tới, song Phó Thủ tướng nêu lý do chậm trễ do “có nguyên nhân khách quan, cần chuẩn bị điều kiện cần thiết”. Tuy nhiên, “Chính phủ sẽ làm mạnh việc này để có sự giám sát tốt hơn, coi như là công ty lên sàn chứng khoán, góp phần chống tham nhũng, tiêu cực trong các TĐ , TCT nhà nước”.
Không nêu cụ thể trách nhiệm của từng bộ với những sai phạm cụ thể ở Vinashin, Vinalines, Phó Thủ tướng cho rằng: “Theo luật, các bộ tổng hợp, các bộ chuyên ngành đều có trách nhiệm trong việc thất thoát tài sản vốn nhà nước. Chính phủ sẽ xác định rõ vấn đề này. Sắp tới Chính phủ sẽ tăng trách nhiệm hơn nữa, nhất là của các bộ ngành”.
Cụ thể, hôm nay (16/6), Thủ tướng sẽ nghe báo cáo về nghị định mới về quản lý, giám sát TĐ, TCT nhà nước, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của các Bộ khi để xảy ra thất thoát, tham nhũng. “Hiện Chính phủ đang nợ 7 văn bản, nghị định về vấn đề này” – Phó Thủ tướng thừa nhận nhưng “chậm nhất trong quý III sẽ ban hành đầy đủ. Sẽ công khai cho dân. Công khai, minh bạch là một yêu cầu bắt buộc”.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng khẳng định, việc làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng DNNN, đặc biệt là của Bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ quan, DN sẽ được chú trọng thông qua cơ chế theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch để kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Phát triển kinh tế phải đi kèm an sinh xã hội?
“Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và bắt đầu có xu hướng phát triển tốt” – Phó Thủ tướng khẳng định như vậy trước câu hỏi của ĐB Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long). Bởi theo Phó Thủ tướng, đánh giá của nền kinh tế có thể có 3 tiêu chí rất quan trọng là chỉ số phát triển công nghiệp (bao gồm sản xuất, tiêu thụ của đất nước, của DN); xuất nhập khẩu và tổng mức bán lẻ của nền kinh tế.
Căn cứ vào các tiêu chí này thì “đất nước chúng ta trong tháng 5 đã có tình hình tốt hơn về kinh tế so với tháng 4 và đặc biệt là quý I . Đặc biệt là chỉ số hàng tồn kho giảm nhanh, số DN phá sản dừng lại và nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất cũng khá hơn”.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH lại tỏ ra lo lắng về các vấn đề văn hóa, giáo dục, phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân trong tiến trình phát triển kinh tế. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tái cơ cấu triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, có lộ trình để tối đa các vấn đề dân sinh theo đường lối phát triển kinh tế đi kèm đảm bảo an sinh xã hội và Phó Thủ tướng tin rằng, “sau tái cơ cấu, các vấn đề xã hội sẽ được quan tâm giải quyết”.
Nhiều ĐBQH quan tâm đến những vấn đề liên quan đến đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. ĐB Lê Quang Hiệp (tỉnh Thanh Hoá) đưa ra vấn đề hiệu quả của liên kết 4 “nhà”: nhà nước, nhà DN, nhà khoa học, nhà nông để giúp nông dân không bị “đơn thương độc mã”, không rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”…, ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) đề nghị được giải trình thêm về chất lượng đào tạo nghề cho nông dân…,
Phó Thủ tướng cho biết, sẽ giao cho Bộ LĐ -TB&XH kết hợp với Hội Nông dân cùng địa phương kiểm tra, có biện pháp xử lý phù hợp, để “làm sao cho đào tạo nghề cho nông dân có hiệu quả hơn, có việc làm trực tiếp hơn, nâng cao thu nhập hơn”. Sắp tới đây, Chính phủ sẽ chỉ đạo rút kinh nghiệm để kết hợp 4 “nhà” tốt hơn nhằm chống trung gian ép giá, xúc tiến thương mại, chủ động từng mặt hàng và giải quyết tốt các nhu cầu của thị trường, sẽ tạo điều kiện cho phát triển các mặt hàng chủ lực ở nước ta.
Cũng tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng cũng đã báo cáo giải trình và trả lời về nhiều vấn đề khác như cải cách hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cơ chế thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, bảo đảm đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Qua 2 ngày rưỡi, Quốc hội đã tiến hành chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, đại diện của Chính phủ - đồng chí Phó Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường. Tại phiên chất vấn này có thể nói những vấn đề đặt ra, các nhóm tổng quát để thực hiện chất vấn chúng ta đã lựa chọn trúng vấn đề, đó là những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Những vấn đề tuy rằng không mới nhưng theo tình hình có nhiều nội dung mới cần phải đặt ra, cần phải chất vấn, cần phải làm rõ trách nhiệm, giải pháp để tổ chức thực hiện những nội dung này. Đề nghị Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội, chú trọng các vấn đề nêu trên và báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới. |
Hương Giang