Nên mã hóa thông tin về cha mẹ người làm CMTND?

"Điều mà dư luận chưa đồng thuận xung quanh câu chuyện này là do sự tác động của văn hóa, phong tục. Do vậy, ngành Công an cần có lộ trình trước khi quyết định thay đổi, hoặc nên mã hóa những thông tin này và khi cần truy xuất thì đưa vào một thiết bị chuyên dùng thay vì in rõ ra", PGS.TS. Trịnh Hòa Bình trao đổi liên quan đến vấn đề nên hay không công khai tên cha, mẹ trên CMND.

[links()]PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học&Xã hội Việt Nam) trao đổi với phóng viên về phản ứng của dư luận xung quanh vấn đề nên hay không công khai tên cha, mẹ trên CMND. 

PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học&Xã hội Việt Nam)
PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học&Xã hội Việt Nam)
- Tăng từ 9 lên 12 số, đề tên cha, mẹ của người được cấp trên CMND... là những thay đổi trong CMND mẫu mới. Ý kiến của ông thế nào?
- Thay đổi trên bắt nguồn từ quan điểm tiếp cận quản lý xã hội mới, theo hướng minh bạch, hiện đại hơn, bởi căn cước từ xa xưa là một cuốn, sau đó và như hiện nay là một tấm giấy hai mặt và sắp tới sẽ là một tấm thẻ bằng nhựa. Thay đổi như vậy là cần thiết. Hơn nữa, mô hình này, các nước tiên tiến người ta đã làm, trong đó tích hợp một lúc nhiều thông tin như nhóm máu, ADN, bảo hiểm xã hội… Việc đề thêm tên cha, mẹ của người được cấp vào căn cước cũng giống như những thông tin nói trên mà thôi.
- Ông đánh giá gì khi theo điều tra riêng của PLVN, hầu hết những người được hỏi đều không muốn có tên cha, mẹ trên CMND?
- Chúng ta đã sống quá lâu với “văn hóa giấu giếm” thế nên nhiều khi nhắc đến tên cha, mẹ lại có cảm giác giống như bị… chửi. Các nước Tây phương thì khác - họ tự hào khi được nhắc đến tên cha, tên mẹ mình trước cộng đồng. Tôi nói vậy không phải để so sánh, bởi văn hóa của họ có những điểm không giống với văn hóa Á Đông. Nhưng, ta cũng phải có sự tiếp cận, học hỏi dần dần.
Ngoại trừ một số trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như phụ nữ yếu thế, đơn thân nuôi con…, theo tôi nghĩ, điều mà dư luận chưa đồng thuận xung quanh câu chuyện này là do sự tác động của văn hóa, phong tục. Do vậy, ngành Công an cần có lộ trình trước khi quyết định thay đổi, hoặc nên mã hóa những thông tin này và khi cần truy xuất thì đưa vào một thiết bị chuyên dùng thay vì in rõ ra.
- Theo ông, ngành Công an đã làm tốt công tác điều tra dư luận xã hội trước khi áp dụng một chủ trương lớn như thế này hay chưa?
- Tôi chỉ thấy trên phương tiện truyền thông chứ chưa thấy ngành Công an làm việc này nên không thể nói là họ làm tốt hay không tốt. Quan điểm cá nhân tôi là làm gì cũng cần có sự đồng thuận của xã hội và phù hợp xu thế hội nhập, khi đã đạt được những yếu tố này rồi thì phải làm tới cùng đừng làm nửa vời gây tốn kém, lãng phí tiền của Nhà nước.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
P.V.

Đọc thêm