Nên tính đến chế độ "vượt khuôn" để "hút" người tài?

"Có chính sách, chế độ thoả đáng đối với người tài, thậm chí vượt khuôn khổ bình thường rất nhiều" là một trong giải pháp để thu hút nhân tài được đưa ra tại Hội thảo “Nhân tài với sự thịnh suy của đất nước” do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực Việt Nam tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Sáng nay, Hội thảo “Nhân tài với sự thịnh suy của đất nước” do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực Việt Nam tổ chức diễn ra khá nóng bỏng với nhiều ý kiến của các nhà khoa học đóng góp cho công tác nhân tài ở Việt Nam. 

"Người có đức có tài phải được xếp ở cương vị cao hơn"
"Người có đức có tài phải được xếp ở cương vị cao hơn"

Nhân tài là nguyên khí quốc gia, nhưng thực tế còn nhiều lỗ hổng trong việc phát hiện thu hút và trọng dụng nhân tài, mà lỗ hổng lớn nhất nằm ở chỗ chúng ta chưa quản lý tốt nguồn nhân lực trong các đơn vị công. 

Trong Đề án triển khai Luật cán bộ công chức sẽ có 2 Nghị định liên quan đến công tác nhân tài là Nghị định chế độ chính sách đãi ngộ những người có tài trong nền công vụ và chế độ chính sách phát hiện, thu hút người tài cho đất nước. Dự kiến cuối năm nay, 2 Nghị định này được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

GS Chu Hảo kết luận, với cơ chế hiện nay, thủ trưởng các cấp bất kể cấp nào đều khó có thể lựa chọn cho mình cán bộ cấp dưới, càng không thể tự mình quyết định sa thải một nhân viên cấp thấp, dù biết rõ năng lực của cán bộ này rất yếu kém.

Bên cạnh đó là tình trạng “để lọt người tài” vì việc thu hút, trọng dụng người tài vẫn chưa đúng mức với chính sách, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc chưa hấp dẫn, chưa có tác dụng quy tụ, khuyến khích nhân tài, trí thức say mê lao động sáng tạo vì sự chấn hưng đất nước như nhận định của Thiếu tướng, PGS Lê Văn Cương, Phó chủ tịch TW hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

Do đó, để nhân tài góp sức cho đất nước, Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đề nghị, trước hết công tác phát hiện nhân tài phải được tiến hành sớm, ngay từ các trường học và các hoạt động xã hội. Bố trí nhân tài vào những công việc, những vị trí phù hợp với đức tài của họ, tạo môi trường lành mạnh cho nhân tài hoạt động và có chính sách, chế độ thoả đáng đối với người tài, thậm chí vượt khuôn khổ bình thường rất nhiều.

Đặc biệt, GS Chu Hảo nhấn mạnh, phải trọng dụng hiền tài, người có đức có tài phải được xếp ở cương vị cao hơn, lựa chọn công việc thích hợp cho từng người. Nếu trong hệ thống tổ chức có nhiều lỗi “xếp ngược” thì tổ chức đó sẽ bất ổn.

H.Giang 

Đọc thêm