“Nếu cứ trả lời lòng vòng, thì ai cũng làm Bộ trưởng được” ?

Do chưa trả lời thẳng vào các chất vấn của đại biểu Quốc hội, khi được đặt chất vấn lần hai về giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục chất vấn và “…chia sẻ với Bộ trưởng vì đây là lần đầu. Nhưng nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được…!”.

[links()]Sáng nay (23/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành Quốc hội Khóa XIII, Kỳ họp thứ 2 về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, có 24 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trường Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng xung quanh về thực trạng tai nạn giao thông (TNGT), ùn  tắc giao thông, chất lượng công trình giao thông,…

Bộ trường Đinh La Thăng
Bộ trường Đinh La Thăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, mỗi năm nước ta có bình quân 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do TNGT gây ra. Điều này được Bộ trưởng Đinh La Thăng ví như “thảm họa sóng thần”. Như vậy, cử tri cả nước đang rất quan tâm tới Bộ GTVT phải làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn, đẩy lùi thảm họa này?

Chia sẻ với cử tri cả nước, lần lượt các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt các câu hỏi chất vấn. Trong đó đại biểu Thuyền bày tỏ sự ngưỡng mộ về Bộ trưởng Đinh La Thăng “dám nghĩ dám làm”; và đặt vấn đề về “chia sẻ kinh nghiệm”, bộ trưởng không học chuyên ngành giao thông nhưng làm bộ trưởng giao thông thì khó khăn nào lớn nhất để tìm giải pháp đột phá về giảm thiểu TNGT rất nghiêm trọng như hiện nay? Trong khi đó, cầu đường làm trước hư sau như hiện nay, đại biểu Thuyền yêu cầu người đứng đầu ngành giao thông cho biết giải pháp đột phá?

Sẽ giảm 5 – 10% TNGT

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Thăng xung quanh vấn nạn ùn tắc, TNGT; "công trình đầu tư xây dựng cơ bản làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh", khi hỏng nhà nước phải bỏ tiền sửa, mất tiền 2 lần, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì?


Bộ trưởng Đinh La Thăng, giải bày trong lúng túng: “Vì là người đàu tin trả lời chất vấn nên mong các đại biểu, cử tri thông cảm. Coi như một cuộc thi, những bộ trưởng khác là người thi sau sẽ làm tốt hơn". Bộ trưởng Thăng cho biết, đến sáng nay (23/11), “mới đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT được 3 tháng 15 ngày”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Ảnh: Hoàng Hà.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền: "...nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được…!”.

Bộ trưởng Thăng cho rằng: “Giảm thiểu TNGT mấu chốt phải đầu tư nâng cao hệ thống hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh. Cần đầu tư đồng bộ đường bộ, đường sắt, đường không và đường ven biển và đường thủy nội địa. Đây là điểm đột phá trong 10 năm tới.

Đối với “thảm họa" TNGT và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Thăng cho rằng cần tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước. Thế nhưng, hiện công tác quản lý nhà nước chưa tốt dẫn đến người dân không chấp hành pháp luật như đi lên vỉa hè, lấn làn.

“Việc duy trì pháp luật không nghiêm như xử lý mũ bảo hiểm thiếu kiên quyết khiến những người từng chấp hành tốt cũng bỏ hay như việc những cán bộ được giao thực thi công vụ không làm tốt, còn để xảy ra mãi lộ... Ở đây có vai trò các cấp chính quyền, các bộ ngành. Nếu coi tai nạn giao thông chỉ của ngành giao thông thì không thể giải quyết được. Các địa phương phải coi thực hiện nhiệm vụ này quan trọng như phát triển kinh tế xã hội", ông Thăng nói.

Liên quan tới ùn tắc, đặc biệt tại 2 thành phố lớn, Bộ trưởng Giao thông cho rằng, trách nhiệm chủ trì thuộc chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý, thời gian qua Bộ Giao thông đã tích cực tham gia cùng với Hà Nội, TP HCM. Dẫn ra đề xuất đổi giờ làm, ông Thăng phản bác ý kiến cho rằng đây là giải pháp chắp vá vì nó nằm trong tổng thể các giải pháp, nếu chờ có đủ giải pháp mới thực hiện thì không bao giờ giải quyết được.

"Nếu chúng ta thực hiện nghiêm thì không thể có nhà cao tầng mọc lên ở nội thành, không thể có nhiều vỉa hè bị mang cho thuê giữ xe. Ùn tắc giao thông thì vai trò chính quyền địa phương, của ngành giao thông vận tải đi đầu, tiếp đến mới là ý thức người dân", ông Thăng nói.

Tuy nhiên, do chưa trả lời thẳng vào các chất vấn của đại biểu Quốc hội, khi được đặt chất vấn lần hai về giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp tục chất vấn và “…chia sẻ với Bộ trưởng vì đây là lần đầu. Nhưng nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm Bộ trưởng được…!”.

Sau giờ giải lao, Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp tục trả lời chất vấn và kiến nghị với Quốc hội “Lấy 2012 là năm Thiết lập trật tự kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn". Đồng thời,  Bộ trưởng tiếp tục nêu các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội, TP HCM như lòng đường vỉa hè phải dành cho giao thông; xây cầu vượt nhẹ, tăng chế tài xử phạt, nâng cao ý thức người dân; thực hiện phí lệ phí với phương tiện cá nhân.

Mặt khác, Bộ trưởng Thăng hứa với đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, rằng “TNGT và ùn tắc giao  thông mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 5-10% và cải thiện giao thông trong cả nước".

Hạ tầng giao thông sẽ được đầu tư hơn 70 tỷ USD

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) đề nghị Bộ trưởng Thăng đưa ra giải pháp chấn chỉnh tình trạng thi công hiện nay để người dân tin tưởng. Đại biểu này đặt chất vấn: "Đường sắt khổ một mét xây từ thời Pháp. Cử tri đề nghị xây dựng đường sắt khổ 1.435 mm, đặt mục tiêu năm 2025 nối đôi bờ đất nước. Xin bộ trưởng cho biết đồng tình hay không?".

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên, cốt lõi khiến giao thông ùn tắc là tỷ đất dành cho giao thông ở Hà Nội và TP HCM quá thấp, chỉ khoảng 8%, trong khi tiêu chuẩn 22-24%; đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi tiêu chuẩn là 3-5%. Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm soát dân số cơ học ở đô thị lõi, xu hướng tập trung hóa hiện nay, ở Hà Nội lên tới 25.000 - 36.000 người mỗi km2 trong khi các thành phố nổi tiếng mật độ cao như Singapore, Hong Kong cũng chỉ 6.500 người...

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn, tình trạng đường kém chất lượng hiện nay là do công nghệ hay do thất thoát, nếu thất thoát thì bao nhiêu phần trăm, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Giao thông có quy định tuổi thọ công trình, cũng như có hay không việc bán thầu vì đây là vấn đề cốt lõi quyết định chất lượng công trình?

Lo lắng trước tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng, trong đó 75% do người điều khiển, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng lỗi một phần do các trung tâm đào tạo lái xe và chất vấn: "Với cương vị Bộ trưởng, mức độ quan tâm của Bộ trưởng tới vấn đề này như thế nào? Có tính tới việc giải thể các trung tâm kém chất lượng?".

Bộ trưởng Thăng trả lời, trong những năm tới, vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông lên tới hơn 70 tỷ USD nên không thể trông chờ ngân sách nhà nước mà phải đi vay. Do vậy, phải có giải pháp đột phá về quy hoạch, đầu tư giao thông theo cách tập trung, dứt điểm, hướng vào mục tiêu năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp.

"Không phải có bao nhiêu đầu tư bấy nhiêu thành chắp vá. Trước hết phải nâng cao chất lượng dự báo, quy hoạch giao thông, phải gắn chặt quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông ở các đô thị lớn", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng đề nghị phải có đột phá về cơ chế giải phóng mặt bằng bởi hiện các công trình giao thông chậm 3-5 năm do không có mặt bằng thi công. Muốn làm được điều này, theo ông Thăng, phải sửa Luật đấu thầu vì quy đinh hiện hành khiến không chọn được nhà thầu có năng lực thi công và khả năng tài chính.

Đồng tình với cách đặt vấn đề của đại biểu Trần Du Lịch về việc mở rộng đường sắt, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, đây là vấn đề hết sức lớn cần nghiên cứu thận trọng, bài bản. Trong 10 năm tới sẽ đầu tư vào hệ thống đường sắt hiện nay để nâng tốc độ chạy tàu lên 120 km một giờ. Còn việc mở rộng đường sắt khổ 1.435 mm, ông Thăng chia sẻ, sau khi JICA báo cáo lại phương án vào quý 2/2012, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét.

Xử lý ở mức cao với lái xe sử dụng rượu, bia

Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội), Bộ trưởng Thăng khẳng định sẽ thay thế các nhà thầu không đảm bảo chất lượng, nâng cao chất lượng, kéo dài tuổi thọ công trình. Tuy nhiên hiện Việt Nam không có dự báo tuổi thọ. Với chất vấn của đại biểu Thanh Hải, ông Thăng khẳng định kiên quyết xử lý ở mức cao với lái xe sử dụng rượu bia, đặc biệt tham khảo các nước các chế tài xử lý như phạt tù ít nhất 15 ngày với lái xe say rượu như Trung Quốc...

Đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch, sắp tới Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra thường xuyên. "Nếu trung tâm sát hạch vi phạm 3 - 4 lần thì phải ngừng, nếu nghiêm trọng thì giải tán", ông Thăng nói và cho rằng phương tiện giao thông không đảm bảo mà tham gia giao thông là trách nhiệm của Bộ. Sắp tới, nếu phát hiện vi phạm, Bộ sẽ kiên quyết cách chức, đuổi việc người quản lý.

"Không thể chấp nhận vì lợi ích của một người, nhóm người mà gây rủi ro, tai nạn cho nhiều người khác. Bộ sẽ công khai, minh bạch việc đăng kiểm", ông Thăng khẳng định.

Đánh giá về buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cho biết: “Sẽ Quyết nghị tán thành lấy năm 2012 theo đề nghị của Bộ trưởng Giao thông làm năm thiết lập lại kỷ cương ngành giao thông nói chung, giảm 5-10% TNGT mỗi năm".

Chiều nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho rằng, ý thức người tham gia giao thông, một trong các yếu tố liên quan trực tiếp thì 80% số vụ do người điều khiển gây ra… Ùn tắc có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân khi xảy ra tai nạn thì tắc nghẽn ngay. Thống kê cho thấy 44% số vụ ùn tắc là do tai nạn giao thông gây ra. Bộ trưởng Quang còn đề nghị tiếp tục nâng mức phạt cao hơn để đủ sức răn đe; bổ sung hình phạt ví dụ tịch thu xe với đua xe, tạm giữ phương tiện… Hiện chúng ta phạt tiền không giữ phương tiện nên chưa đảm bảo đủ mạnh, đủ sức răn đe. Ngoài ra, cần buộc trách nhiệm của chủ phương tiện chứ không chỉ phạt lái xe.

Trọng Hùng





 

Đọc thêm