Trình làng hàng loạt vũ khí “khủng”
Trong thông điệp gửi tới Hội đồng Liên bang Nga ngày 1/3/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin - Tổng tư lệnh tối cao của Lực lượng vũ trang Nga - đã công bố một số dữ liệu về những bước tiến triển quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Trong đó, ông Putin nhấn mạnh về tên lửa Avangard mang đầu đạn siêu thanh - loại vũ khí mới có thể bay với tốc độ nhanh hơn đến 20 lần so với tốc độ âm thanh và có thể hoạt động hiệu quả trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đến ngày 26/12, chương trình thử nghiệm đối với tên lửa này đã hoàn thành đầy đủ. Như vậy, tổ hợp tên lửa Avangard sẽ được trang bị cho Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga trong năm 2019 tới theo đúng kế hoạch đề ra ban đầu.
Cũng trong năm 2018, Nga đã trình làng tên lửa hành trình siêu thanh phóng từ trên không Kinzhal. Phương tiện mang phóng tên lửa này chủ yếu là máy bay đánh chặn MiG-31, có khả năng bay vào tầng bình lưu và không gian vũ trụ.
Ở trên biển, tàu ngầm không người lái chiến lược có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Poseidon mới đây cũng đã được đưa vào thử nghiệm. Tàu ngầm này có thể được trang bị cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có thể di chuyển ở độ sâu rất lớn, di chuyển xa với tốc độ cao vượt xa tất cả các tàu và ngư lôi hiện đại nhất, đánh trúng cả mục tiêu trên biển và ven biển. Theo giới chức Nga, hiện trên thế giới không có siêu ngư lôi nào tương tự, khiến Poseidon trở thành một bước đột phá trong hệ thống vũ khí trên biển của cả Nga và thế giới.
Đối với lực lượng pháo binh, trong tháng 12/2018, giới chức Nga thông báo đã hoàn thành thành công các đợt thử nghiệm hệ thống trinh sát pháo binh Penicillin. Theo thông tin từ Tập đoàn Ruselectronica - nhà phát triển hệ thống trên, hệ thống trinh sát pháo binh Penicillin được thiết kế để tìm kiếm các vị trí bắn pháo, súng cối, các hệ thống bắn đạn loạt, cũng như vị trí tên lửa phòng không và chiến thuật nhằm điều chỉnh việc khai hỏa của hệ thống pháo binh Nga. Điểm đặc biệt của hệ thống này là thời gian xác định được tọa độ của một mục tiêu không vượt quá 5 giây. Ngoài ra, trong năm 2018, Nga cũng thông báo phát triển hệ thống súng cối tự hành “Nabrosok”, bao gồm súng cối tự hành chạy bánh hơi Drok và pháo mặt đất.
Năm 2018 cũng đánh dấu việc nhiều hợp đồng cung cấp vũ khí mới nhất cho quân đội Nga được hoàn tất. Điển hình là trong khuôn khổ Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế “Quân đội 2018”, quân đội Nga và các nhà phát triển vũ khí đã ký kết hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 cho Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga. Dự kiến, chiếc máy bay đầu tiên theo hợp đồng này sẽ được chuyển giao vào năm 2019. Các lực lượng vũ trang Nga trong năm 2018 cũng đã ký kết hợp đồng mua bán các máy bay chiến đấu hạng nhẹ MiG-35 mới nhất.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, các dự án “dài hơi” của ngành Công nghiệp quốc phòng Nga cũng đang phát triển thành công. Ví dụ, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat đã hoàn thành đợt thử nghiệm tầng đẩy sơ tốc với kết quả khả quan. Dự kiến, siêu tên lửa này sẽ bắt đầu được cung cấp cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vào năm 2020.
Cuộc tập trận “Vostok-2018”
Trong vòng 7 ngày từ ngày 11 đến ngày 17/9/2018, quân đội Nga, Trung Quốc và Mông Cổ đã tiến hành cuộc tập trận quân sự “Vostok-2018” tại vùng Viễn Đông của Nga và các vùng biển lân cận thuộc Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này có quy mô lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, với sự tham gia của tổng cộng khoảng 300.000 binh lính và sĩ quan Nga, hơn 1.000 máy bay các loại, khoảng 36.000 xe bọc thép và 80 tàu chiến.
Tại cuộc tập trận này, Nga đã trình làng một số vũ khí mới của nước này như tên lửa chiến lược tầm trung RSD-10 và Dự án đóng tàu sân bay 1143. Đích thân thị sát tập trận, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Nga Vladimir Putin khẳng định cuộc tập trận cho thấy rõ lực lượng vũ trang của Nga và các nước láng giềng đều sẵn sàng đáp trả các mối đe dọa quân sự chung.
Chính trị viên trở lại quân đội
Một sự kiện quốc phòng quan trọng khác của Nga trong năm 2018 là việc thành lập Tổng cục Chính trị Quân sự. Theo Thượng tướng Andrei Kartapolov- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội Liên bang Nga, chức năng của tổng cục này sẽ khác hoàn toàn so với chức năng của Tổng cục Chính trị trong quân đội Liên Xô và quân đội hậu Xô viết. Cụ thể, Tổng cục mới này được thành lập hướng tới việc giáo dục chính trị và công tác chính trị trong các hoạt động quân sự ở thời điểm hiện tại, kết hợp các ý tưởng kinh điển của khoa học quân sự Nga và khả năng suy nghĩ sáng tạo, phục vụ Tổ quốc Nga để đảm bảo chiến thắng của quân đội Nga trong mọi tình huống.
Hợp tác kỹ thuật quân sự phát triển
Năm 2018 cũng đánh dấu một năm thành công về hợp tác kỹ thuật giữa Nga với các nước. Theo ông Alexander Mikheev - người đứng đầu Công ty cổ phần Rosoboronexport, cơ quan trung gian phụ trách các hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu sản phẩm, công nghệ và dịch vụ quốc phòng và sử dụng kép của Nga, nhu cầu vũ khí của Nga đang gia tăng trên thế giới.
Cụ thể, năm 2018, Rosoboronexport đã ký các hợp đồng về cung cấp vũ khí cho nước ngoài trị giá khoảng 19 tỷ USD, cao hơn gần 25% so với cả năm 2017. Lũy kế thời gian qua, tổng giá trị các đơn đặt hàng của Rosoboronexport đã vượt mức 55 tỷ USD.
Giữa tháng 10 vừa qua, Nga cũng đã quyết định cung cấp tổ hợp tên lửa S-300 cho Syria nhằm tăng cường năng lực của hệ thống phòng không Nga. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, tổng cộng đã có 4 hệ thống S-300 được chuyển giao cho Damascus. Trong thời gian qua, Nga cũng đã tiến hành hoạt động huấn luyện để binh sỹ Syria có thể vận hành hệ thống phòng không này.
Thành lập khu quân sự công nghệ cao “Era”
Các kỹ sư tại khu quân sự công nghệ cao Era của Nga |
Trong năm 2018, các hoạt động nghiên cứu khoa học quân sự của Nga đã có sự phát triển vượt bậc. Tháng 6/2018, Tổng thống nước này Putin đã ký sắc lệnh về việc thành lập cơ sở nghiên cứu công nghệ quân sự “Era” ở thành phố Anapa, miền Nam nước Nga. Đến tháng 9 vừa qua, khu công nghệ cao này đã đi vào hoạt động một phần với cụm phòng thí nghiệm bao gồm văn phòng của 37 doanh nghiệp, trong đó có cả những tập đoàn công nghiệp quân sự và những công ty khởi nghiệp. Tổng cộng, các doanh nghiệp này đang thực hiện 48 dự án sáng tạo công nghệ cao.
Theo dự kiến, khu nghiên cứu công nghệ cao-quân sự của Nga sẽ vận hành với toàn bộ công suất vào năm 2019, tập trung vào các hoạt động như nghiên cứu hệ thống thông tin viễn thông và trí tuệ nhân tạo; phát triển tổ hợp robot, siêu máy tính, công nghệ cảm quan máy tính; bảo mật thông tin; công nghệ nano và vật liệu nano; năng lượng; các công nghệ và phương tiện hỗ trợ đời sống; công nghệ sinh học, sinh tổng hợp và cảm biến sinh học.