Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga D.A.Medvedev (tháng 11/2018) và tại cuộc hội đàm ngày 19/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Liên bang Nga và đề nghị hỗ trợ Việt Nam xây dựng CPĐT với trọng tâm là bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Điều này thể hiện niềm tin và sự tin tưởng sâu sắc của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga. “Liên bang Nga đã có những chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và đã đạt được những kết quả là các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ CPĐT được đưa vào sử dụng”, ông Dũng nói.
Ngay sau đó, trong tháng 12/2018, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã đến Liên bang Nga để nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong xây dựng CPĐT, bảo đảm an toàn thông tin mạng và nhận được cam kết hỗ trợ, hợp tác từ phía Chính phủ Nga.
Trong chuyến khảo sát này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Việt Nam Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga Noskov đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng CPĐT.
|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cùng Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên Bang Nga Mamonov |
Nhấn mạnh về quyết tâm xây dựng CPĐT tại Việt Nam, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cấp, các ngành đang rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy xây dựng CPĐT hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn kết với cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và giao VPCP chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.
Trong đó, sẽ tập trung vào 4 trụ cột là con người, thể chế/quy trình, công nghệ và nguồn lực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2020 tập trung triển khai một số đề án tập trung vào thiết lập nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phục vụ thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công và dần thiết lập các đô thị thông minh.
Một thực tế được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là Việt Nam hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa có mã định danh công dân; 63 tỉnh, thành phố hiện đều thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới chỉ khoanh ở phạm vi “biên giới của tỉnh”; các ngành như hải quan, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch – đầu tư đều có cơ sở dữ liệu riêng nhưng chỉ kết nối được theo ngành dọc mà chưa kết nối ngang, các ngành khác không truy cập được vì thiếu đồng bộ.
Do vậy, Việt Nam mong muốn Nga chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng CPĐT, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống CPĐT và hỗ trợ, tư vấn VPCP thiết kế Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống tương tác với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai đô thị thông minh và mô hình Trung tâm hành chính công Moscow (Mát-xcơ-va) và khả năng áp dụng tại Việt Nam…
Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng Liên bang Nga M.V.Mamonov cho biết luôn theo dõi Việt Nam trong quá trình phát triển về công nghệ thông tin và đánh giá cao mục đích xây dựng CPĐT tại Việt Nam nhằm hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số.
Ông M.V. Mamonov cho biết, Đoàn công tác sẽ chia sẻ với Việt Nam về xây dựng CPĐT tại Liên bang Nga liên quan đến xây dựng: Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), Hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), Hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ ngành (SMEV), Hệ thống nền tảng quốc gia cho xử lý dữ liệu phân tán (NPROD); Hệ thống bảo đảm an toàn thông tin cho CPĐT...
Ông M.V.Mamonov cũng chia sẻ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo cán bộ, chuyên gia về công nghệ thông tin, an ninh mạng.