Có những phụ nữ dám đương đầu với bão tố, chèo lái “con thuyền” ra biển lớn… Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chúng tôi đã có cuộc gặp với hai người trong số họ.
Nếu mới gặp chị Phạm Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) – tại các phòng khánh tiết thì có khi không nhận ra chị lúc chị xuống công trình: chị sang trọng, lịch lãm bao nhiêu thì bây giờ lại thấy chịu thương, chịu khó bấy nhiêu.
Chị tâm sự: “Đơn cử thế này, tôi thấy trước mắt tôi là bão đó, bão thường chỉ sập nhà lá, chứ chưa bao giờ sập “building”, thì kinh doanh cũng như xây nhà, tạo nền móng kiên cố, vững chắc thì bão gì cũng không sợ.
Muốn đứng vững chúng ta phải đầu tư tiền bạc, công sức thật sự. Cách đây 3, 4 năm, một số cổ đông muốn xuất hàng thủy sản sang Nga (với chất lượng, giá cả tầm trung), lời trước mắt, còn tôi thuyết phục bán hàng cao cấp vào thị trường Mỹ và EU. Cổ đông phản ứng dữ, không thuyết phục được cổ đông, tôi phải vay tiền để mua lại cổ phiếu của họ. Giờ con đường của tôi đúng hướng – thu lãi cao - đó cũng là câu trả lời cho những cổ đông tin tưởng mình đồng thời cũng là câu trả lời cho những cổ đông bỏ mình. Tôi chỉ nghĩ điều gì đúng thì mình làm - “có công mài sắt có này nên kim” - không thành kim cũng thành đinh (cười) - đặc biệt phải có niềm tin”.
Bà Phạm Thị Diệu Hiền.
Để có được như ngày hôm nay, chị cũng “ba chìm bảy nổi”. “Thương trường khốc liệt, doanh nhân cũng như người chiến sĩ ngã rồi phải đứng lên, chứ ngã rồi bỏ cuộc thì không phải doanh nhân” – chị Diệu Hiền đúc kết.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần May Hồ Gươm Ninh Thị Ty cũng là một chân dung đặc biệt. Chị từng nổi tiếng vì “dám” cắt giảm tới 80% số lượng lao động dư thừa ở khâu cắt trong một phân xưởng hồi còn làm quản đốc Xí nghiệp may I, Công ty May Thăng Long. Chị được trao chức Giám đốc Xí nghiệp May Trương Định (nay là Công ty May Hồ Gươm), lúc đó là đống máy móc cũ kỹ, tài chính âm…, ngấp nghé nguy cơ đóng cửa.
Nhưng bằng quyết tâm của mình, chị đã sắp xếp, tổ chức lại sản xuất, vực dậy xí nghiệp rồi từng ngày mua sắm máy móc thiết bị mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, chú trọng vào chất lượng sản phẩm, không lâu sau, xí nghiệp được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Năm 2001, chị là người “khơi thông” đưa hàng may mặc Việt Nam vào thị trường Mỹ… Doanh thu của công ty tăng nhanh, mức tăng trưởng bình quân 70%/năm, giải quyết công ăn việc làm cho 2.700 lao động ở Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa….
Bên thềm ngày Doanh nhân Việt Nam, chia sẻ chung của các nữ doanh nhân - cho dù các chị rất khiêm tốn khi nói về thành công của mình - đó là phải biết vượt qua sự vất vả, vấp ngã trên thương trường, trau dồi bản lĩnh, tính quyết đoán để “chèo lái con thuyền doanh nghiệp” đến thành công. Nói một cách khác, đó chính là tài quản trị doanh nghiệp của người đứng đầu.
Mai Hoa