Ngắm tận mắt vườn cam Xã Đoài có diện tích lớn hàng đầu Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hàng năm, vườn cam rộng hơn 70 ha với thương hiệu Cam tươi FVF của Tập đoàn TH bắt đầu chín rộ. Những trái cam vàng óng, mọng nước và vị ngọt thanh, hương thơm đậm đà xứng danh giống cam gốc Xã Đoài nổi tiếng từng được biết đến là “cam tiến vua”.

Đi giữa vườn cam được mệnh danh lớn nhất nhì ở miền Trung và lớn hàng đầu cả nước vào thời điểm thu hoạch, tưởng như lọt thỏm giữa một bức tranh rộng lớn với gam màu tươi sáng, cây nào cũng sum suê, tán lá xanh rờn, sai trĩu quả.

Ông Phan Tuấn Cường, Giám đốc Mô hình thực nghiệm công nghệ cao Cam FVF, chia sẻ: Với mong muốn đưa những trái cam đặc sản tới đông đảo người tiêu dùng, năm 2018, Tập đoàn TH bắt đầu trồng và phát triển vườn cam gốc Xã Đoài với thương hiệu Cam FVF tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn theo định hướng thực hành nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao.

Cam trồng tại vườn là những cây cam lâu năm tuổi có nguồn gốc từ giống cam CS1, được tuyển chọn phát triển từ giống Cam Xã Đoài nổi tiếng, quả tròn đều, vỏ mỏng, lòng vàng, ít hạt, múi đều, tép mọng, có vị ngọt thơm thanh mát.

Vùng đất Nghĩa Đàn có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của giống cam Xã Đoài CS1, từ đó tạo nên hương vị thơm ngon đặc trưng riêng cho trái cam nơi đây.

Tập đoàn TH đã ứng dụng công nghệ cao một cách toàn diện, từ khâu chọn giống chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến phân phối để cho ra những trái cam tươi sạch, chất lượng tốt nhất. Vườn cam FVF của Tập đoàn TH tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu.

Toàn bộ quy trình chăm sóc dinh dưỡng, phòng ngừa sâu bệnh sử dụng phân bón nhập khẩu trực tiếp từ Israel kết hợp với phân bón hữu cơ Greenma của TH - sản phẩm tận dụng nguyên liệu chất lượng cao từ trang trại bò sữa TH, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng.

Tập đoàn TH đã đầu tư hàng tỷ đồng vào công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel với các thiết bị, máy móc đồng bộ. Hệ thống này cùng các sản phẩm hữu cơ và quy trình chăm sóc tỉ mỉ, khoa học đã phát huy tác dụng mạnh mẽ trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho cây, giữ ấm bộ rễ, hạn chế tối đa sâu bệnh. Từ đó, giúp đảm bảo cho cam trong vườn phát triển khỏe mạnh và hoàn toàn tự nhiên.

Theo ông Lê Văn Phong, kỹ sư thuộc dự án thực nghiệm công nghệ cao Cam VFV, Tập đoàn TH: việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mang rất nhiều lợi ích, từ giảm chi phí vận hành, sức lao động nhân công đến tiết kiệm 2/3 lượng nước tưới. Các hoạt động từ chăm sóc, quản lý vườn cam cũng rất thuận tiện và dễ dàng, mỗi công nhân có thể phụ trách 7-8 ha.

Cùng với tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm cũng được Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế công bố đạt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn TCVN 11892-1:2017.

Sau 5 năm phát triển, hiện nay, vườn cam thực nghiệm quy mô lớn với thương hiệu FVF đã có 60% gốc cho quả năm thứ 3. Sản lượng cung cấp ra thị trường có thể lên đến 1.000-1.400 tấn/vụ. Từng trái cam FVF đều đồng nhất về chất lượng hảo hạng, độ ngọt thanh đạt từ 11.5 briz trở lên - có thể lên đến 14-15 brix khi quả chín (brix là thang đo độ ngọt của trái cây, rau củ), giàu dinh dưỡng và vitamin, tốt cho sức khỏe.

Những trái cam tươi FVF có mặt khắp các hệ thống siêu thị của cả nước và được người tiêu dùng đón nhận. Thành công này đã khẳng định hướng đi đúng, bài bản và khoa học mang tính bền vững của mô hình thực nghiệm công nghệ cao cam FVF của Tập đoàn TH.

Ông Nguyễn Văn Nam – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nghĩa Đàn cho biết, thời kỳ phát triển tốt, diện tích cam của toàn huyện lên đến khoảng 1.800 ha, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 170 ha, sụt giảm rất lớn do thoái hóa và dịch bệnh.

“Trong khi đó, mô hình thực nghiệm cam FVF theo hướng nông nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ hiện đại trong chăm sóc, quản lý dịch hại bước đầu đã mang đến hiệu quả khá tốt. Với năng suất trung bình có thể lên đến 30 tấn/ha cùng nguồn thu lớn, mô hình vườn cam FVF đã giúp bà con nông dân trên địa bàn Nghĩa Đàn thấy được hướng đi mới trong việc khôi phục diện tích cam và cải thiện hiệu quả kinh tế trên chính mảnh đất của họ” - ông Nam đánh giá.

Đọc thêm