Ngăn chặn “cái bang” gắn mác nghệ thuật ở phố đi bộ

(PLO) - Không ít người lấy cớ kéo đàn, ca hát và cho rằng xin tiền làm từ thiện nhưng việc này chẳng ai kiểm chứng. Họ ung dung kiếm lợi. Nếu không ngăn chặn, thời gian tới, phố đi bộ sẽ xuất hiện la liệt mũ, nón của... “cái bang” xin tiền gắn mác.... nghệ thuật.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bội thực âm nhạc...ngả nón xin tiền

Vừa qua, mạng xã hội ồn ào trước câu chuyện cậu bé 15 tuổi kéo đàn tại phố đi bộ. Cụ thể, khoảng 19h40 ngày 28/7, trong khi đi làm nhiệm vụ, tổ công tác đến khu vực đối diện UBND TP Hà Nội thì thấy một cháu bé kéo đàn violin (đàn vĩ cầm), trước mặt cậu bé mở hộp đàn, trong đó có hai tờ tiền mệnh giá 20 ngàn, một tờ 10 ngàn đồng. Sau đó, một thành viên của đoàn nhắc nhở cháu bé đóng hộp đàn lại và giải thích cho cháu bé biểu diễn không được phép xin tiền bởi điều này gây phản cảm. Sau khi nghe giải thích, bố cháu bé liền lấy chân đạp vào nắp đàn để đậy xuống. Theo tổ công tác, bố và cháu bé đã có lời nói thô tục với họ.

Ngoài cháu bé khoảng 15 tuổi đánh đàn violon kiếm tiền còn có một trường hợp, du khách người nước ngoài thổi kèn cũng có một hộp lớn để mọi người cho tiền. Tổ công tác giải thích cho du khách người nước ngoài về việc không được thổi kèn xin tiền như vậy và du khách này đã nghiêm túc chấp hành. Những hình ảnh khách Tây biểu diễn nghệ thuật rồi ngả mũ xin tiền ở phố đi bộ hồ Gươm không còn xa lạ. Với một mảnh bìa carton nhỏ, có nghệ sỹ đã ghi rõ lý do họ biểu diễn ở phố đi bộ vì cần tiền để đi du lịch, cần tiền để về nhà, cần tiền để đi vòng quanh thế giới, cần tiền để tiếp tục khám phá Hà Nội… Nhưng cũng có nghệ sỹ lặng lẽ, không ghi dòng chữ nào mà chỉ cần một hộp đàn hay dụng cụ biểu diễn nghệ thuật cùng chiếc mũ để bên cùng vài tờ tiền... “thả thính”.  Và đa phần các màn biểu diễn “ngả nón kiếm tiền” này đều tự phát, không qua kiểm duyệt, cấp phép.

Ông Phạm Tùng Lâm - Giám đốc Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm cho biết: “Thời gian gần đây đã phát sinh hiện tượng khách du lịch nước ngoài đến Thủ đô tự ý vẽ tranh kiếm tiền, biểu diễn đàn mandolin xin tiền của khách… đã được chúng tôi nhắc nhở. Tuy nhiên, các nghệ sỹ này không đi ngay mà thường tránh đi các khu vực khác, sau đó lại tái diễn hành động này”.

Thời gian qua, tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm xuất hiện không ít cá nhân, nhóm nhạc đường phố. Họ tự nhảy múa, đánh đàn, ca hát không theo quy luật, giờ giấc nào. Những tháng đầu tuyến phố đi bộ, ở ngay trục đường Hàng Khay giao với Tràng Tiền và đường Đinh Tiên Hoàng, một ban nhạc dân tộc chơi với âm lượng khá lớn. Âm thanh càng được phóng to hơn khi người chơi nhạc tận dụng loa kích âm thanh đến mức tối đa.

Tại khu vực tượng đài cảm tử quân, một ban nhạc đương đại khác lại hòa một bản nhạc sôi động, trẻ trung. Họ bật loa to để át ban nhạc dân tộc. Bên cạnh những sân khấu âm nhạc được đặt xung quanh hồ Hoàn Kiếm thì những cá nhân, nhóm nhạc đường phố với mớ âm thanh hỗn độn khiến cho người dân quanh đó kêu trời... vì phải nghe “lẩu... âm nhạc”. “Giờ tôi đến bội thực với âm nhạc mất, đầu đau nhức với thứ âm thanh hổ lốn. Thế này thì làm sao gọi là thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi mất ăn, mất ngủ, con cháu không tập trung học hành” - bà Thanh Tâm, 65 tuổi (phố Hàng Khay) than.

Phố đi bộ biến thành phố... ăn xin?

Ông Phạm Tùng Lâm - Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm cho hay: “Nếu ai cũng tới phố đi bộ để kéo đàn, mở hộp xin tiền, hình ảnh của tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận sẽ không còn là tuyến phố đi bộ nữa, lúc đó sẽ thành tuyến phố ăn xin mất. Như vậy sẽ rất phản cảm” . 

Trước tình hình đó, vừa qua, thành phố Hà Nội đã ra Dự thảo nội quy “Quản lý hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận”. Trong đó quy định người dân, du khách không tự ý tổ chức, biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, trò chơi, ảo thuật…; sử dụng các thiết bị, dụng cụ như loa, đài, kèn, trống… để phát tán âm thanh công suất lớn ra môi trường, thu hút và làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của không gian đi bộ (các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tổ chức hoạt động phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện đúng quy định của pháp luật). Ngoài ra, quy chế còn cấm người dân, du khách tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ thu tiền của khách khi chưa có giấy phép kinh doanh hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mong muốn giữ gìn cảnh quan sạch đẹp, an toàn, dự thảo cũng có quy định cấm mọi người dắt, thả vật nuôi, gia súc, gia cầm ra đường phố và các khu vực công cộng khác; nghiêm cấm việc xả rác thải, chất thải, phóng uế, tiểu tiện, chất thải của vật nuôi không đúng nơi quy định. Ngoài ra, dự thảo cũng có quy định cấm bán hàng rong, tổ chức ăn uống, kinh doanh trò chơi, đánh giày, đeo bám khách du lịch để nài ép mua, ép bán, xin ăn, xin tiền dưới mọi hình thức trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; nghiêm cấm các hành vi làm mất mỹ quan, mất trật tự công cộng, dùng loa tăng âm, chiêng, trống, còi, kèn… hoặc tụ tập đông người để cổ động mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền; không được có những hành vi, lời nói thô thiển, tục tĩu, thiếu văn hóa, gây mất trật tự công cộng. Cấm giẫm, nằm lên thảm cỏ, ghế đá, ngắt hoa, trèo cây, bẻ cành, hái quả, chặt hạ, hủy hoại cây xanh; không được vẽ, chạm, khắc lên tượng đài và các công trình kiến trúc, viết, dán, treo tờ rơi quảng cáo, rao vặt làm mất mỹ quan; cấm bơi lội, câu, đánh bắt cá dưới lòng hồ Hoàn Kiếm...

“Quản lý nghệ sỹ và chương trình biểu diễn là trách nhiệm của Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội và Ban quản lý, ít ra cũng phải biết các nhóm hát gì. Tuy nhiên, đây là hoạt động văn hoá ngoài trời nên phải có cách quản lý cho phù hợp” - đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho hay.