Ngăn chặn kịp thời tình trạng trồng cây thuốc phiện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong 2 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện tình trạng một số người dân trồng cây thuốc phiện tại Nam Định, Lạng Sơn... Thủ đoạn phổ biến là trồng tại nhà riêng, vườn nhà hoặc trồng đan xen với cây hoa màu... để ngâm rượu, chữa bệnh hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Mới đây, ngày 13/2, Công an huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) phát hiện tại vườn trồng rau của nhà người đàn ông SN 1969 (ngụ xóm 8, xã Giao Yến) có trồng 295 cây thuốc phiện (cây anh túc).

Chủ nhà khai nhận được một người cho hạt giống, do thiếu hiểu biết pháp luật nên đã gieo trồng từ tháng 9/2023 để lấy thân, quả ngâm rượu, uống chữa đau lưng.

Thời điểm phát hiện, 295 cây anh túc được trồng lẫn với các loại rau trong vườn, có kích thước, chiều cao khác nhau, nhiều cây mới ra lá. Trong đó có 35 cây anh túc đã có hoa, một số cây có quả non to bằng quả quất.

Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định kiểm tra vườn rau có gần 300 cây anh túc. (Ảnh: Công an Nam Định)

Công an huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định kiểm tra vườn rau có gần 300 cây anh túc. (Ảnh: Công an Nam Định)

Tương tự tại Lạng Sơn, chỉ trong tháng 1, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 vụ trồng cây thuốc phiện trong vườn nhà dân. Qua công tác nắm tình hình địa bàn, ngày 25/1, tổ công tác Công an thị trấn Bình Gia phát hiện tại khu vườn nhà người đàn ông SN 1974 tại khối phố Tân Thành trồng trái phép 450 cây thuốc phiện trên diện tích 150m2, chiều cao khoảng 20cm. Chủ nhà khai mục đích trồng cây thuốc phiện để phục vụ nhu cầu cá nhân.

Ngoài ra, 2 vụ việc khác vào ngày 9/1 và ngày 10/1, lực lượng chức năng phát hiện gần 500 cây thuốc phiện tại nhà hộ dân tại huyện Văn Lãng và 451 cây tại TP Lạng Sơn.

Theo cơ quan công an, thuốc phiện là loại cây bị cấm trồng, nếu bị phát hiện người trồng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, khi gieo trồng cây thuốc phiện người ta thường lén lút trồng ở những nơi khuất hoặc vùng sâu, vùng xa mà cơ quan chức năng khó có thể tiếp cận được.

Ngoài ra, loại cây này, khi còn bé cũng giống như các loại cây rau màu khác trồng trong vườn nên việc phát hiện là rất khó khăn. Hầu hết các vụ việc phát hiện, xử lý khi cây đã sinh trưởng, phát triển và ra hoa, thậm chí đã kết quả với những đặc trưng nhận biết riêng biệt.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cũng cho biết, trong hầu hết các vụ việc phát hiện, người dân chỉ bị xử lý hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên hiệu quả răn đe thấp, dẫn đến tình trạng trồng cây chứa chất ma túy vẫn có nguy cơ diễn ra tại nhiều địa phương, không kể ở khu vực nông thôn, miền núi hay thành thị.

Cùng với việc một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời; không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc khi bị phát hiện thì viện lý do đời sống khó khăn, phải tìm kế sinh nhai khiến cơ quan chức năng gặp nhiều lúng túng trong xử lý, chủ yếu là nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến hiệu quả răn đe không cao.

Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về an ninh trật tự.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tình trạng trên, trong thời gian tới, Công an các đơn vị, địa phương, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và công an cơ sở (cấp xã) cần đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, ảnh hưởng của việc sử dụng cây thuốc phiện, cây cần sa và những sản phẩm từ cây thuốc phiện, cây cần sa đối với sức khỏe con người.

Tuyên truyền những quy định, chế tài xử phạt nghiêm khắc của pháp luật (nhất là Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021) đối với các hành vi liên quan đến việc trồng, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép cây thuốc phiện, cây cần sa. Vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, các hành vi trồng cây có chứa chất ma túy trái phép tại nhà riêng, vườn nhà, các địa điểm công cộng... của các đối tượng với cơ quan chức năng.

Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện những đối tượng có nghi vấn liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…) để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

Điều 247 BLHS quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cần sa hoặc các loại cây chứa chất ma túy nếu người trồng những loại cây này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm khi liên quan đến các trường hợp: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án mà còn vi phạm; trồng từ 500 - dưới 3.000 cây. Người nào trồng 3.000 cây trở lên, phạm tội có tổ chức sẽ bị phạt tù từ 3 - 7 năm. Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng theo khoản 3 Điều 21 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.

Đọc thêm