Ngân hàng Chính sách xã hội: “Bà đỡ” cùng người dân vượt khó sau đại dịch

(PLVN) - Vợ đau ốm, chồng làm đủ nghề kiếm thêm thu nhập, nhưng đại dịch Covid-19 khiến nguồn thu này bị “cắt”, cuộc sống của gia đình anh Quốc, chị Mười (trú tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) gặp rất nhiều khó khăn. Trong tình cảnh bí bách, vợ chồng anh Quốc được tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất, nhờ đó gia đình anh đã vượt qua khó khăn sau đại dịch.
Hai con bò của anh Phan Trọng Quốc ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc gần xuất chuồng.
Hai con bò của anh Phan Trọng Quốc ở thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc gần xuất chuồng.

Vượt khó nhờ vốn chính sách

Theo chân cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi đến thăm gia anh Phan Trọng Quốc và chị Trần Thị Mười (trú tại thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà).

Trò chuyện với chúng tôi, anh Quốc nói: “Gia đình tôi không phải là hộ nghèo kinh niên đâu, nếu như gia đình không gặp bạo bệnh thì cũng không đến nỗi như bây giờ. Hai vợ chồng ngoài làm một mẫu ruộng còn đi làm thêm nhiều nghề. Nhưng từ ngày vợ gặp tai nạn đau yếu, kinh tế gia đình sa sút hẳn”.

Giờ đây, cả gia đình bốn người chủ yếu trông chờ vào anh Quốc là lao động chính trong nhà. Khi công việc đồng áng xong xuôi anh Quốc chạy chợ buôn bán kiếm thêm thu nhập hàng ngày và nuôi con ăn học. 

Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, công việc chạy chợ là nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh Quốc bị ảnh hưởng, khiến cuộc sống cả gia đình gặp vô cùng khó khăn.

“Trong lúc bế tắc gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn NHCSXH, sau khi thẩm định hộ gia đình tôi được vay 50 triệu đồng về mua 2 con bò và đầu tư chuồng trại. Đến nay, sau hơn 2 tháng nuôi, bò lớn nhanh, nếu đà này khoảng 2 tháng nữa, hai con bò này đạt trọng lượng bò thương phẩm bán ra thị trường. Vừa rồi thương lái đến thương thảo đặt cọc mua bò rồi”, anh Quốc hồ hởi cho biết.

Còn đối với trường hợp chị Trịnh Thị Lý (trú cùng xã), nhiều lần định vay mượn ngoài để đầu tư xây dựng công trình vệ sinh nhưng sợ tiền lãi cao nên đành thôi. Đầu năm 2020, chị Lý được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH đầu tư công trình nước sạch và nhà vệ sinh khang trang, sạch sẽ.

“Hai vợ chồng chỉ trông chờ mấy sào ruộng nên thu nhập thấp, năm nay dịch bệnh kéo dài người dân phải ở nhà nên càng khó khăn hơn. Vay vốn NHCSXH lãi suất thấp, trong thời gian cách ly dịch bệnh được gia hạn nên chúng tôi rất yên tâm” - chị Lý chia sẻ.

“Đoạn tuyệt” với cái nghèo

Cuốn sổ ghi chép của chị Phạm Thị Hương - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Yến Giang (xã Hồng Lộc) ghi từ trang đầu đến trang cuối chi tiết từng hộ gia đình “đoạn tuyệt” với cái nghèo nhờ được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Chị Hương cho biết: “Hiện Tổ vay vốn thôn Yến Giang có 52 thành viên vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Vừa qua sau khi giãn cách xã hội kết thúc, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thông báo bổ sung vốn, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của thôn đã tiến hành họp. Thông qua đó, Tổ nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân và tổ chức bình xét cho vay bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, giúp người dân ổn định cuộc sống sau dịch bệnh”.

Ông Lê Doãn Kiên - Tổ trưởng Tổ Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Lộc Hà - cho biết: “Ngân hàng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ vay sau đại dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho bà con, đồng thời cho vay bổ sung để duy trì và khôi phục sản xuất... Tính đến ngày 1/6, Phòng Giao dịch đã gia hạn nợ cho 217 hộ vay với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng”.

Ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, NHCSXH Hà Tĩnh đã thực hiện các biện pháp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, qua đó, đã hỗ trợ cho 5.614 hộ dân vay vốn với số tiền 274.873 triệu đồng để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi… Đồng thời thực hiện gia hạn nợ nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đối với 635 hộ, số tiền 23.306 triệu đồng. 

Cũng theo ông Minh, NHCSXH Hà Tĩnh đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai cho vay người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho lao động bị ngưng việc theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg đến các địa phương trong tỉnh. Đến nay, UBND các huyện đang tiếp nhận hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt danh sách người sử dụng lao động được vay vốn. 

Đọc thêm