Ngân hàng Chính sách xã hội: Giải ngân hơn 16.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

(PLVN) - Tính đến hết năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giải ngân số vốn vay cho tất cả các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.
Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Tại hội nghị trực tuyến giải ngân vốn tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2022 - 2023 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHCSXH đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đến nay, NHCSXH đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng, hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt kết quả đáng ghi nhận, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 16.024 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ vay vốn cho học sinh sinh viên mua máy tính đạt 827 tỷ đồng; Cho vay nhà ở xã hội đạt 4.032 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hơn 10,8 nghìn căn nhà ở xã hội; Cho vay hỗ trợ việc làm đạt 10.000 tỷ đồng, với hơn 211 nghìn khách hàng được vay vốn; Cho vay các cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập đạt 194 tỷ đồng; Cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đạt 971 tỷ đồng với gần 19,5 nghìn khách hàng vay vốn.

Như vậy, đến hết ngày 31/12/2022, NHCSXH đã giải ngân số vốn vay cho tất cả các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 93 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,2 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm, tổng số tiền hỗ trợ là 878 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: liên quan đến nguồn vốn, tiến độ giải ngân chương trình theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, cơ chế chính sách..., đặc biệt là chương trình cho vay nhà ở xã hội và Nghị định số 28/2022/NĐ-CP tỷ lệ giải ngân vốn chưa cao.

Cụ thể, đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội đến hết năm 2022 đã giải ngân 9.929 tỷ đồng/kế hoạch 15.000 tỷ đồng vốn của 2 năm 2022 – 2023. Nguyên nhân do trong quá trình triển khai thực hiện, nguồn cung nhà ở xã hội tại các địa phương còn hạn chế, nhiều công trình chưa khởi công theo kế hoạch; đối tượng có nhu cầu vay vốn nhưng qua rà soát không đủ điều kiện vay.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề nghị chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án nhà ở xã hội, từ đó tạo nguồn cung về nhà ở xã hội. Đồng thời, hỗ trợ kịp thời các đối tượng có nhu cầu về nhà ở được mua, thuê mua hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Trên cơ sở đó, NHCSXH tổ chức tiếp cận, hướng dẫn, triển khai cho vay theo quy định.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung, thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói riêng, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong hệ thống NHCSXH tập trung tổ chức, triển khai cho vay đảm bảo hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, đảm bảo tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước.

Đọc thêm