Không bao giờ trễ hẹn với người nghèo
Hôm ấy là Chủ nhật, nhưng mới mờ sáng các cán bộ tín dụng đã có mặt tại NHCSXH huyện để chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng trang thiết bị cho phiên giao dịch định kỳ. Tổ trưởng Tổ giao dịch xã Phan Thị Hiền của NHCSXH huyện Chư Pưh tâm sự: “Theo quy định, NHCSXH tổ chức phiên giao dịch với người dân tại xã vào một ngày cố định hàng tháng. Đến hẹn là chúng tôi về. Trừ ngày Tết, còn các phiên giao dịch không bao giờ bị dời ngày chứ đừng nói đến hủy, bất kể đó là ngày lễ, thứ Bảy hay Chủ nhật”.
Trong năm 2018, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH tại địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp cho 9.500 lượt hộ nghèo, 7.846 lượt hộ cận nghèo và 8.707 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 2.943 lao động, tạo điều kiện cho 3.134 học sinh, sinh viên vay vốn đi học, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 353 hộ nghèo và cải tạo 23.999 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia,... Tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Gia Lai đến nay còn 10,04%, giảm 3,3% so với năm 2017.
Thế nên, anh em làm ở NHCSXH huyện, dù phiên giao dịch không thuộc địa bàn phụ trách cũng là thành viên của các Tổ giao dịch khác, cũng chẳng mấy khi có ngày nghỉ bên gia đình. Điều đó, người khác có thể ngạc nhiên, nhưng đối với anh chị em, đã trở nên quen thuộc giản dị như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Mới hơn 7h sáng, trời còn chưa hết hẳn sương mù, mà Điểm giao dịch xã đã nhộn nhịp. Khi cán bộ ngân hàng kiểm tra lại lần cuối máy móc thiết bị đường truyền thì các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, cán bộ Hội đoàn thể đã rộn ràng trao đổi nghiệp vụ hay giải đáp những thắc mắc của bà con về các chương trình vay, sử dụng vốn vay.
Bên trong Hội trường trụ sở UBND thị trấn, chị Kpả H Phe (thôn Plei Djriết, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) giơ cuốn sổ bìa xanh quen thuộc tâm sự với ông Dương Quyết Thắng, mà chị chỉ biết là lãnh đạo trung ương của NHCSXH, rằng gia đình chị được vay vốn 50 triệu đồng. “Gia đình trước kia khó khăn lắm, có ít đất nhưng chẳng có vốn liếng tích lũy gì nên không thể làm gì ngoài việc trồng trọt thủ công lặt vặt. May có nguồn vốn “mồi” này, gia đình dốc sức đầu tư được 5 sào hồ tiêu và mua hai con bò cái về nuôi. Giờ thấy con đường vươn lên rồi, coi như là cũng có lối thoát rõ ràng khỏi khó khăn”, chị Kpả H Phe kể.
Nhưng NHCSXH gần gũi với bà con dân tộc thiểu số nơi đây như chị Kpả H Phe không phải từ khoản vay khuyến khích đó, mà từ phương thức phục vụ khiến bà con vượt qua ngại ngần. Chị Kpả H Phe tâm sự, cứ nghĩ Ngân hàng cho mình vay, hóa ra mình được Ngân hàng phục vụ: “Trước cứ ngại việc ra tận trụ sở ngân hàng làm khách, không tự tin mấy. Nhưng vay NHCSXH, có cán bộ ngân hàng về tận nơi nên mình không phải mất nhiều thời gian, chi phí đi lại để làm hồ sơ, nhận vốn, nộp lãi, gửi tiết kiệm cũng như trả gốc. Không chỉ vậy, mình còn được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn hiệu quả”.
Trong vai trò Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hrãi Dõng 1, thị trấn Nhơn Hòa, chị Kpă HThứi càng cảm nhận rõ hơn việc NHCSXH tổ chức phiên giao dịch tại xã. “Hoạt động tín dụng chính sách về tận xã, cán bộ NHCSXH bám sát địa bàn đã giúp Tổ tiết kiệm và vay vốn gồm 58 tổ viên của chúng tôi thực hiện chuẩn xác các khâu, từ bình xét, làm hồ sơ đến thu lãi, nhận tiền gửi tiết kiệm, đôn đốc trả nợ diễn ra nhanh chóng, kịp thời. NHCSXH đưa giao dịch về xã giúp bà con dân tộc thiểu số chúng tôi đã tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí và công sức đi lại”, Tổ trưởng Kpă HThứi chân thành bày tỏ khi được gặp Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tại buổi kiểm tra vốn vay ở cơ sở.
|
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng (người ngồi, bên trái) đang trao đổi với chị Kpă HThứi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hrãi Dõng 1 (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) |
Tín dụng chính sách phải đẩy lùi bằng được “tín dụng đen”
Theo ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa, việc NHCSXH đặt Điểm giao dịch cố định tại thị trấn đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Sau phiên giao dịch, Tổ giao dịch xã giao ban với chính quyền, các đơn vị nhận ủy thác và Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn để hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách, triển khai các chủ trương, chính sách mới, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn liên quan đến vấn đề thu nợ gốc, lãi...
Đặc biệt, qua hoạt động của Điểm giao dịch, người dân được gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên đã phát huy được hiệu quả vốn vay. Tính đến nay, toàn thị trấn có 1.049 hộ vay với dư nợ gần 37 tỷ, góp phần tích cực vào sự đổi thay của địa phương.
“Toàn huyện có trên 8.000 hộ được vay nguồn vốn ưu đãi với tổng dư nợ là 232 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trung ương cấp để cho vay, thời gian qua đơn vị còn huy động được gần 20 tỷ đồng vốn nhàn rỗi trong nhân dân”, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Chư Pưh (Gia Lai) Ngô Trần Hậu cho biết. Toàn huyện Chư Pưh có chín xã thì NHCSXH đã “phủ sóng” chín Điểm giao dịch, giao dịch vào những ngày cố định tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH cũng niêm yết công khai, rõ ràng các chế độ, chính sách, quy định của ngân hàng, lãi suất cho vay, thông tin hộ vay để người dân nắm bắt thông tin và giám sát thuận tiện. Đơn vị cử cán bộ tín dụng cùng Tổ trưởng thường xuyên đến từng hộ vay, thăm hỏi việc sử dụng vốn vay cũng như đôn đốc các hộ đóng lãi, trả gốc, gửi tiết kiệm…
Biểu dương 197 cán bộ, viên chức, người lao động của NHCSXH tỉnh Gia Lai suốt 16 năm qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn chuyển tải kịp thời, an toàn 4.167 tỷ đồng tới 139.496 hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở khắp các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng nhắc nhở đơn vị “không được thỏa mãn, mà phải tiếp tục duy trì nền nếp đã có, giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo không khí vui tươi đầm ấm trong mỗi cán bộ, thực hiện công khai dân chủ từ việc phân bổ nguồn lực đến công tác thi đua khen thưởng, thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở rà soát đối tượng cho vay, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con về nhu cầu vốn ra sao để tiếp tục đầu tư cho hiệu quả, đúng mục đích”.
|
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với Lãnh đạo chủ chốt chi nhánh tỉnh Gia Lai và Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện |
Ông Dương Quyết Thắng cũng yêu cầu, sang năm 2019 - năm thực hiện sơ kết 05 năm Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Gia Lai tiếp tục bám sát, tham mưu kịp thời, hiệu quả hơn nữa để các cấp ủy đảng, chính quyền Gia Lai thực hiện tốt hơn Chỉ thị 40.
“Đối với đề nghị của bà con nâng mức cho vay một số chương trình và bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho địa phương, tới đây NHCSXH sẽ họp và trình Chính phủ xem xét. Chi nhánh cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, đặc biệt là thông tin đầy đủ, chính xác các chương trình mới tới mọi tầng lớp nhân dân”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chỉ đạo. “Tín dụng chính sách phải đẩy lùi bằng được “tín dụng đen” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và không được để một hộ nghèo nào đủ điều kiện mà không được vay vốn”, ông Thắng nói.
Ông Dương Quyết Thắng - Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam: “Có được thành quả hôm nay, chúng ta không được thỏa mãn, mà phải tiếp tục duy trì nền nếp đã có, giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong mỗi cán bộ, thực hiện công khai, dân chủ từ việc phân bổ nguồn lực đến công tác thi đua, khen thưởng... Bên cạnh đó, phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở rà soát đối tượng cho vay, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con về nhu cầu vốn ra sao để tiếp tục đầu tư cho hiệu quả, đúng mục đích. Tín dụng chính sách phải đẩy lùi bằng được “tín dụng đen” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và không được để một hộ nghèo nào đủ điều kiện mà không được vay vốn”.