'Ngân hàng đặc biệt' đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có thể nói, việc ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; và là sự minh chứng cho thấy sự quan tâm cao độ của Đảng và Nhà nước đến công tác này.
Ngày 23/7 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ấn nút kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)
Ngày 23/7 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ấn nút kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. (Nguồn: Bộ LĐTBXH)

Hạnh phúc vỡ òa sau nhiều năm chờ đợi

Tại buổi họp báo thông tin về kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024 vào cuối tháng 7/2024, nói về công tác người có công, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ông Nguyễn Bá Hoan đã nhấn mạnh trong thời gian qua nhiều chính sách về an sinh liên quan đến người có công đã ban hành kịp thời.

“Đặc biệt, trong tháng 7, cả nước đã có nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân, tặng quà tới gia đình người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ được dư luận xã hội đánh giá cao”, theo ông Nguyễn Bá Hoan.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gen (ADN) cho khoảng 20.000 mẫu, ngày 23/7 vừa qua tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành đã ấn nút kích hoạt, ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ (Ngân hàng gen).

Ngân hàng gen do Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Công an đề xuất xây dựng trong bối cảnh cả nước còn 300.000 liệt sĩ an táng tại hơn 3.000 nghĩa trang chưa xác định được thông tin; gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập.

Có thể nói, việc ra mắt Ngân hàng gen là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và là sự minh chứng cho thấy sự quan tâm cao độ của Đảng và Nhà nước đến công tác này.

Trước đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/01/2013 phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin và Quyết định số 1237/QĐ-TTG ngày 27/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 10/5/2018 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 119/2023/TT-BQP ngày 22/12/2023 ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Tại lễ ra mắt Ngân hàng gen, 10 gia đình liệt sĩ được trao giấy chứng nhận về kết quả giám định gen ADN, trong đó có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

Bà Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thước quê ở tỉnh Thanh Hóa là một trong 4 gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ nhờ giám định ADN. Bà Vinh xúc động nói: “Bố mẹ tôi mất hết rồi, bố mẹ bảo tôi phải đi kiếm anh, quá trình tôi đi kiếm anh năm nay là 49 năm, tôi rất xúc động vui mừng nhận được kết quả đúng anh tôi rồi”.

Sự vận hành của “Ngân hàng đặc biệt”

Không sai khi nói rằng Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ là “ngân hàng đặc biệt”. Bởi Ngân hàng gen gánh vác trọng trách rất lớn lao là với những thông tin quý giá từ Ngân hàng gen có thể đối khớp để đưa ra thông tin di truyền, từ đó tiến hành nhận dạng, đối khớp ADN của thân nhân và ADN của các hài cốt liệt sĩ, mở ra hy vọng các liệt sĩ sẽ được quy tập và xác định được danh tính, để sớm đưa các anh về với gia đình của mình.

“Chúng tôi cho rằng đây là việc làm ý nghĩa, rất linh thiêng. Chúng ta phải chạy đua với thời gian, càng làm sớm càng tốt, phải làm bằng trái tim của chính mình, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân, gia đình liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại lễ ra mắt Ngân hàng gen ngày 23/7.

Hiện nay theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật thì việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện theo hai phương pháp là phương pháp thực chứng và phương pháp giám định ADN.

Cũng theo quy định, thứ tự ưu tiên là áp dụng phương pháp thực chứng trước; khi không áp dụng được phương pháp thực chứng mới áp dụng phương pháp giám định ADN; và tùy từng trường hợp cụ thể mà cơ quan chức năng nghiên cứu hồ sơ, giấy tờ và tư vấn cho thân nhân liệt sĩ nên làm theo phương pháp nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo Cục Người có công, triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng thời gian qua mang lại nhiều kết quả trong việc hỗ trợ thân nhân liệt sĩ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Với phương pháp thực chứng, thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ, thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, thông tin về nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, các cơ quan, đơn vị đã xác định bằng phương pháp thực chứng được danh tính đối với 4.613 danh tính hài cốt liệt sĩ.

Với phương pháp giám định ADN, đã lấy mẫu hài cốt và mẫu thân nhân liệt sĩ được 52.723 mẫu (44.094 mẫu hài cốt và 8.629 mẫu thân nhân); đã phân tích ADN được 24.987 mẫu (20.025 mẫu hài cốt và 4.962 mẫu thân nhân). Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ đã xác định danh tính đối với 1.466 hài cốt liệt sĩ, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ...

Cục Người có công hiện đang quản lý Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) gồm dữ liệu ADN của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đã được phân tích ADN tại các đơn vị giám định.

Trong thời gian tới, Cục Người có công sẽ phối hợp với C06 Bộ Công an để tích hợp Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN (dlls.nguoicocong.gov.vn) vào Ngân hàng gen (ADN liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin) do Bộ Công an quản lý.

Để Ngân hàng gen phát huy hiệu quả, cũng theo Cục Người có công, thời gian tới các Bộ, ngành liên quan cần bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất giám định, ứng công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cho các hoạt động giám định, lấy mẫu ADN.

Bên cạnh đó với việc rà soát các thông tin liên quan tới thân nhân, cơ quan chức năng cần tiến hành thu thập mẫu thân nhân càng sớm càng tốt, các mẫu hài cốt liệt sĩ càng sớm càng tốt để lưu trữ, bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Khi đáp ứng đủ công nghệ, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất thì có thể tiến hành ngay các phương pháp giám định.

Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng đơn giá cho dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ...

Ngày 26/6/2024, tại TP HCM, dự án thu thập mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP HCM chủ trì với sự hỗ trợ của Sở LĐ-TB&XH TP HCM, Trung tâm Gen đã thực hiện cho hơn 40 gia đình là thân nhân liệt sĩ. Trao đổi với truyền thông, Thượng tá Hồ Thị Lãnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP HCM cho biết, mẫu ADN sẽ được lưu trữ trong Ngân hàng gen để sẵn sàng cho việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Theo Bộ LĐ-TB&XH mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20 nghìn mẫu bằng phương pháp giám định ADN. Tất cả thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin đều được xét nghiệm miễn phí, có thể liên hệ Sở LĐ-TB&XH các địa phương để được hỗ trợ thực hiện.

Đọc thêm