“Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
Đây đang là bài toán đau đầu đối với nhà băng hậu Covid. Vừa qua, mạng xã hội dậy sóng với hình ảnh một chủ xe ô tô “kêu cứu” và cho rằng mình bị ngân hàng thu hồi nợ kiểu” cướp xe”. Vì chưa rõ nội tình thực hư, chân tướng sự việc nên dân mạng đã sôi lên với những mũi dùi chĩa vào phía các nhà băng.
Cán bộ xử lý nợ một ngân hàng thì “dập đầu” than trời bởi những trường hợp phải xử lý nợ như thu hồi xe ô tô hay niêm phong bất động sản đều là “cực chẳng đã”. Khách hàng chây ỳ không trả nợ, để phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu kéo dài khiến ngân hàng buộc phải dùng các biện pháp thu hồi tài sản bảo đảm để tránh phát sinh nợ xấu.
“Quá trình thu hồi nợ được chúng tôi thực hiện theo đúng trình tự pháp luật song chủ sở hữu bất hợp tác, gây khó khăn và thậm chí vu vạ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thương hiệu của ngân hàng”, đại diện một ngân hàng lớn chia sẻ.
Ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi quyết liệt thu hồi nợ xấu |
Thực tế, tình trạng “đứng cho vay, quỳ thu nợ” đã diễn ra trong ngành ngân hàng từ lâu, là nỗi ám ảnh lớn nhất của các Ngân hàng thương mại. Chủ sở hữu khi không trả nợ đúng hạn thường gây khó khăn bằng cách rời khỏi nơi cư trú. Việc thu hồi nợ bằng con đường khởi kiện ra tòa án tồn tại nhiều bất cập về thời gian thực hiện và hồ sơ.
Đặc biệt, gần đây, các chủ sở hữu tận dụng tối đa sức mạnh mạng xã hội, tung thông tin không đúng bản chất sự việc lên, khiến cho hình ảnh thu hồi nợ của các ngân hàng bị méo mó, thậm chí xuyên tạc một nghiệp vụ ngân hàng bình thường như hoạt động cưỡng đoạt tài sản trái pháp luật.
Ngân hàng có thể khởi kiện theo luật an ninh mạng?
Trở lại việc một số chủ sở hữu khi bị thu hồi xe thì cho rằng ngân hàng đã vượt quá thẩm quyền vì chỉ có cơ quan công an hay toà án mới có quyền thu giữ xe. Luật sư Nguyễn Trung Thành - Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: Ngân hàng được phép thu xe có sự chứng kiến của Thừa phát lại, tổ chức này sẽ lập vi bằng về việc thực hiện quyền tiếp quản tài sản bảo đảm đúng quy định pháp luật. Trong quá trình lập vi bằng, Thừa phát lại sẽ quay phim, chụp hình, mô tả lại toàn bộ quá trình thu giữ tài sản. Vi bằng có giá trị chứng cứ, được đăng ký tại Sở Tư pháp, đây chính là căn cứ để các bên bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Luật sư Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh: “Theo điều 63, NĐ 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm: Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản có trách nhiệm: Thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời hạn hợp lý. Văn bản thông báo phải ghi rõ lý do, thời gian thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, quyền và nghĩa vụ của các bên”.
Như vậy, rõ ràng luật đã có quy định và các ngân hàng có quyền thu hồi tài sản bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật cho phép.
““Đối với khách hàng và/hoặc bên cầm giữ tài sản bảo đảm của Ngân hàng bị thu hồi tài sản đảm bảo nếu cố tình dùng ảnh hưởng của mạng xã hội để vu khống, xuyên tạc làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu ngân hàng thì ngân hàng có thể Tố cáo khách hàng và/hoặc bên cầm giữ tài sản bảo đảm theo điều 8 luật An ninh mạng đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi “vu khống” gây ra theo điều 9 của Luật này”, Luật sư Nguyễn Trung Thành cho biết.