Ngân hàng không được để nợ xấu... xấu hơn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: NHNNVN cần có một Chương trình hành động cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện cho tốt; dứt khoát phải tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp cận được các nguồn vốn, phải điều hành lãi suất cho phù hợp, kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa, bảo đảm thanh khoản vững chắc hơn, dài hạn hơn và tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từng bước một, vững chắc và chặt chẽ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương. Tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương.

Có chuyện xin- cho, “chạy” dự án?

Tại Bộ KH&ĐT, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Bộ KH&ĐT cả về quy mô, tính chất công việc. Tổng Bí thư hoan nghênh những nỗ lực, cố gắng của Bộ KH&ĐT, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược, đề xuất, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đã góp phần vào thành quả phát triển chung của đất nước trong năm qua.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Càng đi vào kinh tế thị trường càng phải coi trọng công tác quy hoạch, kế hoạch; tôn trọng quy luật khách quan, quy luật thị trường, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước. Tổng Bí thư đánh giá cao phương hướng công tác và biện pháp thực hiện mà Bộ KH&ĐT đã đề ra; lưu ý cần tập trung khắc phục tình trạng quy hoạch chồng chéo, quy hoạch treo, phân cấp, phân quyền trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch song cần có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm thực hiện theo quy hoạch.

Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế cần gắn với phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Bên cạnh đó, cần khắc phục những bất cập trong việc cấp phép đầu tư, cấp vốn đầu tư, có hay không cơ chế xin – cho, việc chạy dự án?...

Xung quanh câu chuyện đổi mới, sắp xếp lại DNNN, trước hết là các tập đoàn, TCty nhà nước, có chuyển biến gì mới, đặt ra vấn đề gì, tái cơ cấu, sắp xếp bao nhiêu DN là vừa, để lại bao nhiêu, khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, đồng thời phải phát huy được vai trò của kinh tế tư nhân.

NHNNVN phải cố gắng để "mạch máu" thông suốt

Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của NHNN Việt Nam và đại diện các ngân hàng thương mại.

Bám sát các nhiệm vụ chính trị mà Đại hội Đảng lần thứ XI, các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra, Ban cán sự Đảng NHNNVN đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt vai trò của Ngân hàng Trung ương trong việc cung ứng phương tiện thanh toán phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội; kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội.

Việc điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt đã góp phần kiềm chế lạm phát; ổn định giá trị đồng tiền, hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Thông qua điều hành chính sách tiền tệ, NHNN đã hỗ trợ tích cực đối với việc đảm bảo an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng được tăng cường, đã làm rõ thực trạng, yếu kém, tồn tại ở nhiều NHTM cổ phần, để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, thực hiện chủ trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...

Tổng Bí thư nhấn mạnh, NHNN là cơ quan cực kỳ quan trọng, là "tim", là "máu" của toàn bộ nền kinh tế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, một lĩnh vực rất nhạy cảm, khó khăn, phức tạp, đồng thời thực hiện chức năng của một ngân hàng.

Tổng Bí thư khẳng định: “NHNNVN thực hiện đồng thời hai chức năng là phù hợp với điều kiện Việt Nam. Càng đi vào kinh tế thị trường càng thấy vai trò quan trọng của quản lý Nhà nước. Chúng ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN, phải có sự điều tiết, quản lý, hướng dẫn của Nhà nước nhưng không được phiến diện cực đoan, Nhà nước điều tiết theo quy luật của thị trường, vận dụng cơ chế thị trường để thực hiện tốt vai trò quản lý của Nhà nước.

Nếu buông lỏng quản lý nhà nước thì vô cùng nguy hiểm, nhưng mặt khác lại lấy danh nghĩa Nhà nước can thiệp theo kiểu áp đặt, hành chính hóa thì lại không được. Như vậy, ngành ngân hàng phải vươn lên, đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật điều hành để xử lý hài hòa hai mặt của vấn đề.”

Ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được, chia sẻ những khó khăn, thử thách mà ngành ngân hàng phải vượt qua trên bước đường phát triển đi lên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: NHNNVN cần có một Chương trình hành động cụ thể để tập trung chỉ đạo thực hiện cho tốt; dứt khoát phải tháo gỡ khó khăn cho DN tiếp cận được các nguồn vốn, phải điều hành lãi suất cho phù hợp, kiên quyết không để nợ xấu xấu hơn nữa, bảo đảm thanh khoản vững chắc hơn, dài hạn hơn và tiếp tục tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, từng bước một, vững chắc và chặt chẽ.

Tổng Bí thư mong muốn NHNNVN quyết tâm khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn lên với niềm tin mới, khí thế mới, để "mạch máu" trong cơ thể luôn tuần hoàn thông suốt, để nền kinh tế đất nước luôn mạnh khỏe, vững vàng.

Từ hôm nay: Lãi suất tiếp tục giảm

NHNN thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành; lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND của các tổ chức, cá nhân tại các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. 

Theo đó, kể từ ngày hôm nay – 24/12, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 11%/năm xuống 10%/năm. 

Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên là 2%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng là 8,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm, bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tối đa là 13%/năm. 

Mức lãi suất cho vay 12%/năm của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là phù hợp với mức giảm lãi suất tiền gửi và chủ trương của Chính phủ, định hướng của Thống đốc NHNN về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.  

H.Thủy

Nguyễn Thị Sự

Đọc thêm