Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Cuộc rượt đuổi giữa chính sách và công nghệ

(PLVN) - Tại Tọa đàm trực tuyến “Ngân hàng số và thanh toán điện tử: gợi mở từ khủng hoảng Covid-19” vừa diễn ra, theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ thanh toán Ngân hàng Nhà nước, chúng ta mất một vài năm để ra đời một Nghị định, trong khi công nghệ luôn phát triển, thậm chí chỉ sau 2-3 tháng lại có một loại hình mới. Do đó, cùng với các giải pháp công nghệ, chính sách cho phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử cũng cần bắt nhịp với đời sống công nghệ…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tốc độ tăng trưởng mobile banking đạt 200% 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tác động vô cùng nguy hại cho nền kinh tế và xã hội nhưng ở chiều ngược lại, đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong đời sống và nền kinh tế.

“Trong thời gian Covid-19, chúng ta chứng kiến cuộc di dân vĩ đại của thế giới trên không gian số để phòng chống Covid-19. Tôi tin rằng cuộc di dân này không chỉ là cuộc di dân để phòng chống Covid-19 mà còn là cuộc di dân thúc đẩy sự phát triển của nhân loại” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.

“Trong khi ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) mất khoảng 1 tuần thì ngân hàng số có thể giải ngân cho DN chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng…” - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ. Cũng theo ông Dũng, tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng về mobile banking là 200% cho thấy chúng ta đang tăng trưởng rất tốt. Thống kê hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày.

Ông Phạm Quang Đệ - Giám đốc Công nghệ Ngân hàng số của LienVietPostBank nhấn mạnh, Covid-19 tạo ra cơ hội để đẩy mạnh thanh toán điện tử. “Chúng tôi có so sánh kỹ về trước, trong và sau Covid và thấy rằng trong Covid lượng giao dịch trực tuyến chỉ qua ứng dụng Ngân hàng số Ví Việt phát triển cực mạnh, tăng trưởng 20%, đạt 15.000 tỷ đồng về tổng giá trị giao dịch chỉ trong một tháng” – ông Đệ thông tin và cho biết: Xu hướng hành vi xã hội chắc chắn phải số hóa, các dịch vụ ngân hàng số sẽ tăng trưởng với quy mô, giá trị giao dịch lớn.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, tuy thanh toán điện tử có mức tăng trưởng khá nhanh nhưng so với quy mô nền kinh tế, những con số này là rất nhỏ. “Như ở LienVietPostBank, tổng giá trị giao dịch của Ví Việt là 15.000 tỷ đồng nhưng thanh toán hóa đơn, dịch vụ mới chỉ đạt 110 tỷ đồng…” - ông Đệ dẫn chứng.

Gỡ nút thắt chính sách

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý cho dịch vụ thanh toán số nhưng vẫn còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng ưa tiện lợi.

Cụ thể là sự thiếu phù hợp giữa các quy định về chứng từ điện tử hiện hành và tính chất đặc thù của những chứng từ điện tử phát sinh trong các giao dịch số; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các lĩnh vực chứng thực chữ ký số đã được ban hành nhưng còn nhiều hạn chế; Vấn đề bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng vẫn chưa đảm bảo... Đặc biệt, trong khi các định chế tài chính truyền thống đang chịu nhiều ràng buộc pháp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thì các quy định pháp lý đối với các công ty Fintech ở Việt Nam còn chưa đầy đủ…

Vụ trưởng Vụ Thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ, dự kiến trong tháng 6 này, NHNN sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có khái niệm về tiền điện tử, ngân hàng đại lý. Đây là cơ sở để các ngân hàng phát triển ngân hàng số toàn diện.

Đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính, ông Lê Đình Ngọc, cũng cho rằng trong thế giới công nghệ, thanh toán số chiếm tỷ trọng lớn nhất. Nhưng thách thức lớn nhất là vấn đề pháp lý và quá trình triển khai đang gặp nhiều khó khăn: “Về pháp lý có nhiều vướng mắc, nhưng nếu không thực hiện thì sẽ bị bỏ lại phía sau so với thế giới và bắt buộc phải triển khai. Với vai trò phối hợp, Bộ Tài chính luôn thống nhất chủ trương ngân hàng số sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn, đẩy nhanh giao thương dịch vụ phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế”- ông Ngọc bày tỏ quan điểm.

Với Moblie Money, dại diện Bộ Tài chính cho rằng các vấn đề đặt ra là phải quản lý rửa tiền như thế nào, làm sao quản lý các công ty truyền thông sử dụng tiền khách hàng hay tạo tiền,… “Bộ Tài chính đã đặt ra những giới hạn. Đó là khi tiền của khách hàng đưa vào công ty viễn thông thì bắt buộc phải chuyển 100% sang ngân hàng và bắt buộc không cho công ty truyền thông sử dụng tiền đó để đầu tư, mà chỉ để thanh toán cho khách hàng…” - ông Ngọc nói.

Người Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ hiện đại nhất

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết, sau nhiều năm thi hành, Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay, bộc lộ nhiều hạn chế và vướng mắc khi thi hành nên NHNN đang tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. 

Liên quan đến quy định về tổng hạn mức giao dịch của ví điện tử (cá nhân tối đa 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; tổ chức tối đa 100 triệu đồng/ngày và 500 triệu đồng/tháng) quy định tại Dự thảo, ông Dũng cho biết, về số tiền khống chế 100 triệu đồng dựa trên cân đối thu nhập trên đầu người, cân đối trên mức chi tiêu, thanh toán trung bình. Ngoài ra, số tiền khống chế 100 triệu đồng này không sử dụng cho mọi tài khoản mà chỉ khống chế với các tài khoản mở không trực tiếp gặp mặt. Bởi việc quét chứng minh thư hiện chưa thật sự phân biệt được chứng minh thư thật hay giả, do đó số tiền hạn mức trên sẽ giúp khống chế được rủi ro. Còn việc mở tài khoản với hình thức qua video thì sẽ không phải chịu mức khống chế 100 triệu đồng nêu trên.

Về vấn đề cấp phép ví điện tử, dù có hay không có Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP thì vẫn thực hiện bình thường và hiện nay Việt Nam đang có 34 đơn vị trung gian thanh toán. “Chúng tôi xin cam kết người Việt Nam sẽ được sử dụng dịch vụ hiện đại nhất và kết quả sẽ được thể hiện ở những con số thay đổi về thanh toán điện tử của năm sau” – ông Dũng nói.

Đọc thêm