Mỗi người làm tín dụng chính sách là một cán bộ dân vận

(PLVN) - Phải biết dân vận khéo, người làm tín dụng chính sách mới đồng hành được cùng người nghèo, chia sẻ và giúp đỡ họ sử dụng vốn chính sách hiệu quả, thoát nghèo bền vững cả về kinh tế và kiến thức.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”
Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”

Nhiều cách làm sáng tạo từ dân vận khéo

Trong buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo” do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội vừa tổ chức, bà Lò Thị Luyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Điện Biên – kể, Hội Phụ nữ tỉnh có rất nhiều cách để hướng dẫn đối với người được vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả và “trong việc tổ chức thực hiện có nhiều cán bộ hội rất sáng tạo.

Ví dụ, tại Thị xã Mường Lay, Hội Phụ nữ thành lập tổ sản xuất của đồng bào Thái trắng để họ làm bánh khẩu xén, thành lập các nhóm sản xuất rau an toàn, tổ sản xuất trồng bí đặc trưng của địa phương và cũng làm công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm.

“Tôi còn nhớ về một gia đình được vay vốn chính sách từ khi tôi làm công tác này cách đây 15 năm. Gia đình được vay 15 triệu ban đầu và mua 1 con bò giống, từ 1 con bò giống đến nay đã phát triển tới hơn 200 con bò ở huyện Nậm Pồ. Cách làm này cũng được lan toả, nhân rộng bằng cách giúp cho các hộ gia đình khác có nhu cầu” - bà Lò Thị Luyến cho hay – “Khi người dân được vay vốn, chúng tôi chỉ hướng dẫn họ sử dụng đúng mục đích của chương trình tín dụng vay vốn của Ngân hàng chinh sách xã hội (NHCSXH)”.

Bà Leo Thị Lịch - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội – kể câu chuyện khi bà còn làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang: “Ban đầu bà con phản đối việc tiết kiệm, bởi đang nghèo thì tiết kiệm bằng cách nào? Chúng tôi phải rất kiên trì nói với họ rằng, mỗi ngày nhịn ăn một nắm gạo cho vào hũ gạo cứu đói, tiết kiệm tạo thành thói quen, gia đình chúng ta có ăn, chúng ta có tích lũy. Tiết kiệm gửi vào NHCSXH cũng vậy, nguồn gửi này sinh lời 1 năm, 2 năm, 3 năm, từ nguồn gốc có thể có nguồn lực trả nợ. Chúng tôi còn phối hợp với NHCSXH tập huấn, mời các chuyên gia của NHCSXH tập huấn kỹ năng về cập nhật hàng ngày, vay vốn xong làm thế nào, theo dõi ra sao, tiết kiệm thế nào về sổ sách hành chính”. 

Không khéo dân vận, khó phát huy được hiệu quả tín dụng chính sách

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội – nhận định, nói đến đồng vốn chính là nói đến vai trò quan trọng của tín dụng, tuy nhiên vốn rất quan trọng nhưng quan trọng hơn chính là sử dụng đồng vốn đó như thế nào.

“Đó chính là bài toán, bài toán đó phải được giải ở hai khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên là hướng dẫn, tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ từ sử dụng, quản lý đồng vốn làm sao cho hiệu quả. Nhưng phải xét khía cạnh thứ hai, không đơn giản người nào cũng làm được việc đi vào cuộc sống của người nghèo một cách dễ dàng. Đó chính là dân vận. Tức là mình hướng dẫn, mình cầm tay chỉ việc nhưng quan trọng là làm sao để người ta tin mình” – ông Bùi Sỹ Lợi nói – “Tôi nghĩ rằng, vấn đề đặt ra là chúng ta phải đi sâu nghiên cứu về tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, phong tục tập quán của người nghèo để giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả. Điều quan trọng nhất thông qua việc cho vay vốn, thông qua việc dân vận khéo của cán bộ tín dụng là tạo ra được sự đồng thuận xã hội”.

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống. Thông qua sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội. Có được kết quả đáng kể của các chương trình tín dụng chính sách như hiện nay,  bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình cho vay, mỗi cán bộ NHCSXH còn phải “dân vận” trực tiếp với khách hàng. Cán bộ NHCSXH phải khéo léo, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội và cấp ủy, chính quyền cơ sở từ tổ dân phố đến thôn, buôn, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. 

“Tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh và phòng giao dịch huyện, bên cạnh việc thực hiện tốt chủ trương, quy định trong hoạt động tín dụng chính sách, một yếu tố “ngoài chuyên môn” mà mỗi cán bộ NHCSXH phải thường xuyên thực hiện là công tác “dân vận”. Việc thực hiện tốt công tác cho vay đã góp phần quan trọng trong việc huy động được sức mạnh của toàn xã hội tham gia vào công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương” – ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, cho biết - “Nói một cách văn hoa, cán bộ NHCSXH đã phát huy được vai trò “dân vận của dân vận” để đưa chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, trưởng thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn vào đồng hành cùng cán bộ NHCSXH trong công tác quản lý nguồn vốn để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về thủ tục, quy trình, kể cả lập dự án giúp cho các hội viên vay được vốn và vận động thành viên thực hành tiết kiệm…”.

Công tác dân vận khéo không chỉ giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn mà còn tạo được sự đồng tình ủng hộ, khơi dậy lòng nhân ái, tương trợ, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đồng thời từng bước làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo để họ chủ động vươn lên, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Đọc thêm