Ngân sách có thể ảnh hưởng, vẫn nâng mức giảm trừ gia cảnh

Dù vẫn lo ngại về ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, tuy nhiên sau khi xem xét, thảo luận, tiếp thu ý kiến của UBTVQH về vấn đề này, trong phiên họp mở rộng mới đây, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người dân.

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 9 vừa qua, cho ý kiến vào Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi, nhiều Ủy viên UBTVQH đã không đồng tình với Ủy ban Tài chính ngân sách về việc hạ mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế cũng như cho người phụ thuộc. Mới đây, sau khi xem xét lại vấn đề này, Ủy ban Tài chính ngân sách đồng tình theo phương án trình của Chính phủ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đề xuất của Chính phủ tại phiên họp thứ 11, mức GTGC cho bản thân người nộp thuế từ 4 triệu đồng/tháng lên mức 9 triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên mức 3,6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, khi thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Tài chính ngân sách đã không đồng tình với đề xuất nói trên. Ủy ban này cho rằng, việc nâng mức GTGC từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng sẽ làm “sai lệch bản chất của thuế TNCN, đưa thuế TNCN trở thành thuế thu nhập cao thông qua việc thu hẹp quá lớn số lượng người nộp thuế” và quan trọng là việc nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 9 triệu sẽ “ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước”.

Với mức GTGC đối với người phụ thuộc lên 3,6 triệu đồng, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng không đồng ý với lý do “sẽ là thiếu công bằng giữa người không lao động với người lao động”. Vì vậy, theo Ủy ban tài chính ngân sách, chỉ cần nâng mức GTGC cho bản thân người nộp thuế lên mức 7 triệu và nâng mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc lên 2,8 triệu là phù hợp

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của Ủy viên UBTVQH không tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính ngân sách, mà ủng hộ phương án trình của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã yêu cầu cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nâng cao tính thuyết phục về cơ sở mức giảm trừ gia cảnh khi trình ra Quốc hội.

Tại tờ trình mới đây- ngày 22/9/2012, Chính phủ vẫn kiên trì đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc như tại Phiên họp thứ 11. Theo Chính phủ, việc nâng lên 9 triệu đồng “vừa đạt mục tiêu giảm động viên vừa hướng được vào đối tượng khó khăn, vừa có ý nghĩa xã hội, thể hiện sự chia sẻ của nhà nước với nhân dân”.

Với mức GTGC mới, theo tính toán của Chính phủ nếu luật có hiệu lực từ 1/7/2013 thì dự kiến số giảm thu của 6 tháng cuối năm 2013 là 5 ngàn 200 tỷ, cả năm 2014 sẽ là trên 13 ngàn tỷ đồng.

Mặc dù vẫn lo ngại về ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách, tuy nhiên sau khi xem xét, thảo luận, tiếp thu ý kiến của UBTVQH về vấn đề này, trong phiên họp mở rộng mới đây, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, nhằm góp phần chia sẻ khó khăn với người dân.

Ủy ban này cũng thống nhất với phương án điều chỉnh thuế TNCN theo biến động thị trường, ở mức trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất. Trong trường hợp này, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, theo ý kiến của Ủy ban, vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế như hiện hành, chưa đặt vấn đề điều chỉnh trong lần sửa luật này. Cơ quan thẩm tra cũng đồng ý với phương án không khống chế số lượng người phụ thuộc đối với mỗi người nộp thuế, mà quy định giảm trừ phụ thuộc đối với các trường hợp thực khai về các trường hợp phụ thuộc của cá nhân người nộp thuế.

Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ được trình tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 22/10 tới đây.

Thu Hằng

Đọc thêm