Đừng để gọi chè “giá rẻ”, “sản xuất đại trà”
Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, Việt Nam có tên và thứ hạng trên bản đồ chè thế giới, nhưng vẫn loanh quanh xuất khẩu trong khu vực, chưa được nhiều nước ngoài khu vực biết đến. Ông Lang cũng khẳng định, Việt Nam không thể qua mặt được các “đại gia” chè trên thế giới nhưng vẫn còn nhiều vùng đất để các doanh nghiệp chè len lỏi vào.
Vị này cho rằng, việc 2 doanh nghiệp đạt giải vàng và bạc ở một cuộc thi chè được tổ chức tại Bắc Mỹ cho thấy tiềm năng xuất khẩu chè chất lượng của Việt Nam vào thị trường này vì đây là khu vực đông dân, xu hướng sử dụng chè và đồ uống rất phong phú. Đây cũng là ý kiến của các chuyên gia đã tham gia cùng với Bộ Công Thương và các doanh nghiệp chè trong quá trình xây dựng thương hiệu và giá trị cho cây chè Việt Nam.
Ông Wisal Hin - chuyên gia tư vấn quốc tế ngành Chè xanh Hoa Kỳ cho biết “Danh tiếng chè Việt Nam tại Hoa Kỳ chưa được biết đến nhiều. Trong suy nghĩ của người tiêu dùng tại Mỹ, chè Việt Nam là loại chè giá rẻ và sản xuất đại trà”. Thậm chí, ông Wisal Hin còn cho biết, nhiều người nói với ông rằng “họ không thích chè Việt Nam, không tin tưởng chè Việt Nam”.
Một thông tin bất ngờ được ông Wisal Hin đưa ra, công ty nhập khẩu chè lớn nhất tại Mỹ là một công ty… Achentina và số lượng nhập khẩu từ Achentina cũng là lớn nhất. Tuy nhiên, vẫn còn có “cửa” để chè Việt Nam thâm nhập vào thị trường Mỹ, đặc biệt là thị trường phía Đông. Bởi người dân ở thị trường này có khẩu vị thay đổi theo mùa và họ cũng chuyển từ chè đen và đá ngọt sang chè có hương vị hoa và quả. Điều quan trọng nhất “Chủ tịch Hiệp hội chè Hoa Kỳ đánh giá cao các sản phẩm chè Việt Nam”, ông Wisal Hin tiết lộ.
Có vẻ như con đường để những sản phẩm chè cao cấp của Việt Nam đi Mỹ, đi châu Âu không còn xa như lời khẳng định của Phó Cục trưởng Đỗ Kim Lang “Tôi cho rằng, từ việc chiến thắng ở thị trường Bắc Mỹ thì việc chúng ta vào được thị trường châu Âu chắc chắn không khó”. Đây là tín hiệu thực sự tốt để các doanh nghiệp Việt chuyển hướng sang chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cho ngành Chè, thay vì chỉ để ý đến số lượng xuất khẩu và tạo ra việc làm là chính như trước đây.
Thiên về chất lượng hơn số lượng
Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Công ty Chè Hà Thái, tỉnh Thái Nguyên (đơn vị đạt giải bạc tại cuộc thi chè ở Bắc Mỹ) cho biết, khi tham gia cuộc thi chè tại Bắc Mỹ, rất nhiều khách hàng khi thưởng thức chè Việt Nam đều có cho rằng chè của Việt Nam rất ngon so với chè của nhiều nước khác trên thế giới. Và nhiều khách hàng cũng đặt câu hỏi rằng, tại sao chè các nước khác không ngon bằng chè Việt Nam lại có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, trong khi chè Việt Nam lại chưa được nhiều khách hàng biết đến.
Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của các doanh nghiệp chè và các chuyên gia đang hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho cây chè Việt Nam. Ông Wisal Hin khẳng định, Việt Nam chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho cây chè, chưa biết khai thác “những câu chuyện về chè Việt Nam” như viết nên những khác biệt về thổ nhưỡng của vùng trồng chè, khẳng định nguồn gốc, chất lượng và nền văn hóa gắn bó với cây chè Việt Nam từ bao đời nay, đặc biệt chú trọng đến kỹ thuật hái chè, sao khô mà gần như chỉ riêng Việt Nam có.
Bà Nguyễn Thị Hiền cho biết, khi tham dự cuộc thi chè ở Bắc Mỹ, công ty của bà Hiền cũng xây dựng một câu chuyện về chè Việt Nam. Trong câu chuyện này, Hà Thái đưa ra các tiêu chí, thông điệp rằng, muốn sản xuất loại chè sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì chè phải được trồng trên đất sạch, không sử dụng các loại thuốc trừ sâu. Nói cách khác, chè được trồng theo phương pháp hữu cơ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, dù chi phí để trồng loại chè này có thể gấp đến 10 lần so với cách trồng chè truyền thống.
Ông Đỗ Kim Lang thì khẳng định, chỉ khi chất lượng chè được đảm bảo, khâu tiếp thị, quảng bá thương hiệu chè mới dễ dàng hơn. Bởi một sản phẩm tốt sẽ luôn lấy lòng được người tiêu dùng. Từ đó, thương hiệu, hình ảnh chè Việt Nam sẽ phát triển bền vững hơn. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần phải thay đổi về cách làm chè hiện nay, từ chủ yếu thiên về số lượng sang thiên về chất lượng để tạo ra những sản phẩm chè cao cấp, vào được những thị trường cao cấp.