Ngành Dầu khí đối diện nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mặc dù đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong 8 tháng đầu năm 2021 nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn thừa nhận đang đứng trước một loạt khó khăn, thách thức.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nộp ngân sách nhà nước hơn 6.330 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2021.
Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nộp ngân sách nhà nước hơn 6.330 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2021.

Lọc hóa dầu nguy cơ dừng hoạt động

Theo PVN, việc nhiều địa phương giãn cách xã hội, hạn chế việc lưu thông trên đường đã ảnh hưởng nặng nề, toàn diện đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đầu tư của đơn vị này ở cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó lĩnh vực lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm dầu khí, công nghiệp khí, công nghiệp điện, dịch vụ dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất.

Cụ thể, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, đứt gãy, lưu thông hàng hóa, sản phẩm, nguyên nhiên vật liệu của các đơn vị trong PVN gặp khó khăn do nhân lực, phương tiện vận chuyển phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch chặt chẽ như xét nghiệm PCR, cách ly trước và sau khi di chuyển ra khỏi các tỉnh, thành…

Do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khí, điện, xăng dầu và hóa dầu suy giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng khí khô cung ứng và tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm 2020. Kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa chất, phân bón đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Tồn kho xăng dầu của các nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao dẫn đến mức phải giảm công suất xuống mức tối thiểu và đứng trước nguy cơ dừng hoạt động trong thời gian tới.

Ngoài ra PVN còn gặp nhiều khó khăn khác liên quan đến việc tổ chức làm việc ở ngoài biển và ở nước ngoài (Malaysia, Brunei, Quarta…); việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài vào các nhà máy, công trình dầu khí gặp khó làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như nhiệt điện Sông Hậu 1, nhiệt điện Thái Bình 2.

Không chỉ khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, PVN còn gặp những vướng mắc không nhỏ do cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời như Luật Dầu khí, cơ chế đầu tư cho lĩnh vực E&P...

Ứng phó cách nào?

Trước những khó khăn như vậy, PVN đã ban hành 53 thông báo, 43 chỉ thị, văn bản chỉ đạo các đơn vị thành viên theo từng lĩnh vực, khối theo chuỗi giá trị. Hiện, Tập đoàn đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó dịch COVID-19, trong đó có việc tiêm vaccine cho người lao động.

PVN cũng xác định nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phải được duy trì ổn định, an toàn, trong đó tập trung tổ chức thực hiện tốt phương châm “ba tại chỗ”, “hai điểm đến, một cung đường” đối với người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, dự án, công trình dầu khí. Chủ động áp dụng các kịch bản xuất hiện F0 tại khu vực sản xuất để đưa ra phương án ứng phó phù hợp.

Để giảm áp lực tồn kho, PVN đã chỉ đạo các đơn vị PVOIL, BSR, PVNDB, PVTRANS triển khai việc chia sẻ nhân lực, vật lực (kho chứa). Ngoài ra, đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng đề nghị hỗ trợ, bố trí cho phép các đơn vị PVN gửi hàng ở các kho xăng, dầu…

Ngoài ra, PVN đã đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2021, 2022. PVN cũng phân cấp triệt để trong công tác quản trị đầu tư, đi đôi với tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện. Hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư lĩnh vực E&P để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt; tập trung cho các dự án E&P trong khu vực truyền thống.

Đọc thêm