Ngành điện cam kết đảm bảo cung cấp điện trong mùa khô hạn phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã triển khai hàng loạt các giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện; củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện… đảm bảo vận hành chuẩn bị việc cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.
Nhân viên điện lực hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Nhân viên điện lực hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.

Triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu

Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) cho biết, cao điểm mùa khô thường diễn ra từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 5 nhưng năm nay xuất hiện nắng nóng khá sớm, từ cuối tháng 1/2024 và có khả năng kéo dài thời gian hơn trung bình các năm trước.

Để ứng phó với tình hình này, ngay từ các tháng cuối năm 2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và EVNSPC đã triển khai hàng loạt các giải pháp để vận hành tối ưu các nguồn điện; củng cố, đầu tư, phát triển hệ thống nguồn, lưới điện… đảm bảo vận hành chuẩn bị việc cung ứng điện mùa khô và cả năm 2024.

Qua 2 tháng đầu năm 2024, EVNSPC đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động văn hóa - xã hội tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam từ Ninh Thuận đến Cà Mau, không thực hiện điều hòa tiết giảm phụ tải, đặc biệt trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2024 vừa qua.

Với dự báo tăng trưởng điện năm nay, toàn EVNSPC có khả năng tăng lên đến 7%, cao hơn mức dự báo đầu năm. Tuy nhiên, nó vẫn nằm trong các phương án cung ứng điện năm 2024 được EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia lập và được Bộ Công Thương phê duyệt từ đầu năm. Do đó, trừ các trường hợp cực đoan hoặc sự cố xếp chồng thì với các giải pháp quyết liệt của EVN, EVNSPC có thể nói, việc cung ứng điện cho 21 tỉnh miền Nam sẽ được đảm bảo.

EVNSPC cùng các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện.

EVNSPC cùng các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện.

Đồng thời với các giải pháp cung ứng điện ở quy mô cấp quốc gia đang được triển khai nhằm đảm bảo nhiệm vụ cung cấp điện, vận hành ổn định, an toàn hệ thống lưới điện Quốc gia và khu vực trong năm 2024, EVNSPC cùng các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh thành đã và đang triển khai hàng loạt phương án vận hành tối ưu hệ thống lưới điện, quyết liệt các giải pháp vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện.

Cung ứng đủ điện là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất

Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết, việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn TP là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của trong năm 2024.

Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị quán triệt cán bộ, đảng viên, người lao động nắm rõ tình hình, nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là vào mùa khô năm 2024; chủ động phương án ứng phó, không để xảy ra bị động trong mọi tình huống. Ngoài ra, công tác tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả phải được thực hiện đồng bộ, liên tục và cũng có vai trò quan trọng như nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện.

Trên tinh thần đó, EVNHCMC đã triển khai thực hiện phương án đảm bảo cung cấp điện mùa khô năm 2024 gồm các giải pháp sau: Đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng; Trung tâm Điều độ Hệ thống điện giám sát, có phương án không để các đường dây 220kV/110kV/22kV, MBA 220kV/110kV xảy ra tình trạng đầy, quá tải trong chế độ làm việc bình thường; Các Công ty Điện lực rà soát, xử lý không để xảy ra tình trạng đầy, quá tải trạm biến áp phân phối, lộ ra hạ thế; Công ty Lưới điện Cao thế, các Công ty Điện lực thực hiện bảo trì lưới điện, xử lý các điểm khiếm khuyết trước ngày 31/3/2024.

Đặc biệt, đơn vị chuẩn bị phương án tiết giảm khi có yêu cầu của EVN. Cụ thể: Rà soát, cập nhật danh sách ngừng giảm mức cung cấp điện trong trường hợp khẩn cấp theo yêu cầu của EVN về việc ban hành danh sách ngừng, giảm mức cung cấp điện; Lập danh sách thứ tự ưu tiên các tuyến dây và cáp ngầm trung thế theo ngày nghỉ luân phiên; Rà soát đảm bảo vận hành tin cậy relay các mạch sa thải đặc biệt.

Ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thực hiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình.

Ngành điện đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thực hiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ cũng được nâng cao. Theo đó, đơn vị tiếp tục tổ chức làm việc, phổ biến tiết kiệm điện hàng năm, vào các tháng đầu mùa khô, đề nghị khách hàng thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện thường xuyên. Khi có thay đổi, cải tạo hệ thống điện thì sử dụng thiết bị điện có hiệu suất năng lượng cao. Tổ chức ký biên bản thoả thuận tiết giảm/dịch chuyển giờ sử dụng, sẵn sàng dùng máy phát vào mùa cao điểm, nắng nóng hoặc khi có yêu cầu từ hệ thống.

Đơn vị cũng sẽ làm việc với tất cả các khách hàng là doanh nghiệp sản xuất sử dụng điện lớn, các Ban Quản lý khu, cụm điểm công nghiệp trên địa bàn cam kết tiết kiệm điện (tối thiểu 2% sản lượng điện tiêu thụ/năm), điều hòa phụ tải, giãn kế hoạch sản xuất, dịch chuyển ngày làm việc, dịch chuyển ca sản xuất, giảm công suất giờ cao điểm…

Khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các thiết bị điện được dán nhãn năng lượng theo Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 09/03/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện.

Đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp thực hiện hành vi sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; Chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); Ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; Hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt...

Vào mùa nắng nóng, do nền nhiệt tăng cao dẫn đến việc người dân sử dụng thiết bị điện làm mát nhiều hơn. Khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nguy cơ mất an toàn trong sử dụng điện cũng cao.

Để sử dụng điện an toàn, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh khuyến cáo khách hàng lưu ý một số nội dung sau: Tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy. Dây dẫn điện trong nhà phải phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện. Hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, cho từng thiết bị điện. Không câu, mắc dây điện tùy tiện; các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật – nối so le và được quấn băng cách điện. Dây dẫn điện nên được đặt trong ống, hộp bảo vệ. Sử dụng thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng công năng. Đặt các thiết bị điện phát nhiệt xa các đồ dùng dễ cháy.

Khách hàng không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn cùng một ổ cắm để tránh quá tải. Tắt thiết bị điện khi không sử dụng. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị hư hỏng. Đối với các thiết bị có công suất lớn được lắp đặt thêm như máy lạnh, máy nước nóng, bếp điện phải kiểm tra khả năng mang tải của đường dây dẫn điện để tránh quá tải hệ thống dây dẫn điện. Không tự ý sửa chữa điện khi không có chuyên môn, hiểu biết về điện…

Đọc thêm