Ngành Ngân hàng tuyên truyền pháp luật ứng phó khủng bố

(PLVN) - Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống khủng bố (PCKB) ngành Ngân hàng (NH) do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng qua, 16/5, đại diện Cục An ninh nội bộ (A02) (Bộ Công an) đã lưu ý, lĩnh vực NH luôn là mục tiêu đặc biệt chú ý của tội phạm khủng bố và tội phạm hình sự. Đây cùng là vấn đề ngành NH đặc biệt quan tâm song hành với hoạt động kinh doanh của mình…
Ngành Ngân hàng tuyên truyền pháp luật ứng phó khủng bố

Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật PCKB ngành NH do Ban Chỉ đạo PCKB ngành NH phối hợp với Cục A02 tổ chức tại điểm cầu trung tâm Hà Nội và 62 điểm cầu tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo PCKB ngành NH, ông Phạm Kim Anh  đã đánh giá, về cơ bản các đơn vị trong ngành NH đã nhận thức được tầm quan trọng  trong công tác PCKB nhưng vẫn còn hạn chế trong nhận thức, chưa phân biệt được khủng bố với những hoạt động an ninh trật tự thông thường, chưa nắm được quy trình xử lý ban đầu khi khủng bố xảy ra, chưa hiểu về báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố và hầu hết chưa thực hiện tuyên truyền pháp luật về công tác này. 

“Hội nghị này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về công tác PCKB, qua đó nâng cao nhận thức và ý thức của các đơn vị trong ngành NH về công tác PCKB, góp phần giúp ngành NH ngày một an toàn, hiệu quả”- Phó Thống đốc Phạm Kim Anh lưu ý.

Theo nhận định của Cục A02, trong những năm qua, tình hình khủng bố quốc tế hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt diễn biến phức tạp của tình hình khủng bố khu vực Đông Nam Á đã và đang có những tác động đến công tác PCKB ở Việt Nam.

Theo Đại tá Phạm Văn Uông, Phó Cục trưởng Cục A02, những lĩnh vực “nhạy cảm” là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố, phản động như lĩnh vực hàng không, trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao, tài chính, NH… “Đáng chú ý, lĩnh vực NH luôn là mục tiêu đặc biệt chú ý của loại tội phạm khủng bố và tội phạm hình sự, tội phạm có tổ chức…”- Đại tá Uông lưu ý.

Cùng theo đại diện Cục A02, các hoạt động khủng bố nhằm vào các NH trên thế giới đã xảy ra (từ năm  2013- 2018 đã xảy ra 8 vụ), ở Việt Nam tuy chưa xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm vào NH nhưng các vụ cướp NH đã xảy ra, trong đó có vụ sử dụng thuốc nổ phá ATM. “Tuy rằng chưa xảy ra nhưng cần phải hết sức đề phòng, vì không loại trừ khả năng từ cướp đến khủng bố…”- Đại tá Phạm Văn Uông nhấn mạnh…

Theo ông Nguyễn Đăng Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, NHNN, trong thời gian qua Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH) và Cục A02 đã có sự phối hợp trong công tác PCKB. Hai cơ quan đã có những khuyến nghị đối với các đơn vị được kiểm tra, khảo sát như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, thực hiện diễn tập tình huống; cần đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại hỗ trợ rà soát giao dịch, cảnh báo, theo dõi an ninh; cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với công an trên địa bàn và có biện pháp xử lý, báo cáo đúng quy định khi khủng bố xảy ra; thường xuyên bổ sung phương án PCKB cho phù hợp với thực tế.

Đại diện NHNN cũng cho biết, Cơ quan TTGSNH cũng đã hỗ trợ NH TMCP Quân đội (MB) triển khai diễn tập xử lý tình huống cướp NH chuyển hóa thành bắt giữ con tin. MB đã thực hiện ghi hình để làm tư liệu phục vụ công tác đào tạo, tuyên truyền. Trước đó, năm 2017, Cơ quan TTGSNH cũng đã phối hợp với NH TMCP Công thương (VietinBank) triển khai diễn tập và đã phổ biến cho các đơn vị trong toàn ngành.

Thực hiện trách nhiệm tiếp nhận thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố từ tổ chức tài chính và phi tài chính có liên quan và thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố, qua quá trình thu thập, xử lý các báo cáo giao dịch đáng ngờ, cơ quan TTGSNH đã chuyển giao nhiều thông tin nghi ngờ liên quan đến tài trợ khủng bố cho Cục A02 xử lý. Cơ quan này cũng đã hoàn thành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố và đã trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ban hành báo cáo kết quả đánh giá.…

Liên quan đến lĩnh vực phòng chống tài trợ cho khủng bố, theo đại diện Cục Quản trị (NHNN), NHNN đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hoạt động của NH như: Các quy định về kiểm toán, kiểm soát nội bộ, thẩm quyền của cơ quan thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ thanh tra giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng, chống tài trợ khủng bố qua các giao dịch tiền tệ, tài chính như: các biện pháp nhận biết khách hàng, thu thập và gửi báo cáo về các giao dịch liên quan đến tài trợ khủng bố. Ngành NH cũng đã tiến hành điều tra, xác minh một số đối tượng có giao dịch qua hệ thống NH nghi tài trợ cho khủng bố theo yêu cầu của cơ quan chức năng…

Được biết, theo Luật PCKB 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/10/2017, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình NHNN có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động PCKB theo quy định của Luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc quyền sẵn sàng tham gia PCKB theo quyết định huy động của người có thẩm quyền; Tiếp nhận thông tin, báo cáo giao dịch đáng ngờ liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố từ tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; khi có cơ sở để nghi ngờ giao dịch liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố thì kịp thời báo cho lực lượng chống khủng bố của Bộ Công an và phối hợp xác minh làm rõ; Phối hợp với Bộ Công an trong hợp tác quốc tế về PCKB… 

Đọc thêm