Ngành Tư pháp góp sức xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ

(PLO) -Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức ngày 26/7/2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ nhiệm kỳ mới là: “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. 
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo
Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo

Hưởng ứng mục tiêu ấy, trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã có nhiều nỗ lực đóng góp bằng các hoạt động cụ thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.

Không nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Trong phiên trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường Quốc hội hồi tháng 11/2017, lần đầu tiên, đích thân Thủ tướng đã nêu định nghĩa của mình về Chính phủ kiến tạo. Qua định nghĩa của Thủ tướng, có 4 nội dung chính của Chính phủ kiến tạo. Trong đó, nội dung đầu tiên được Thủ tướng đề cập chính là một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. Khi có doanh nghiệp đặt câu hỏi thế nào là Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu rõ, đó trước hết là tạo khung khổ pháp lý thuận lợi nhất, tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các quyền của mình”.

Là cơ quan của Chính phủ, với một trong những chức năng là quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, có thể nói Bộ Tư pháp là một lực lượng “chủ công” để cụ thể hóa nội dung trên của Chính phủ kiến tạo. Để hoàn thiện thể chế, trong năm 2017, Bộ Tư pháp cho biết các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 08 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 09 dự án khác. Riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với 03 luật, 01 nghị quyết. 

Trong số này có nhiều dự án quan trọng được các bộ, ngành xây dựng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân. Có thể kể đến là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM... 

Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ngành thì các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.105 văn bản (tăng 18 văn bản so với năm 2016). Trong đó, Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản; một số bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải...) đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số lượng lớn VBQPPL. 

Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc, tổ chức làm việc với các bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản. Nhờ vậy, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, đặc biệt, không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại các địa phương, cơ quan tư pháp, pháp chế đã tham mưu ban hành 4.111 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 75 văn bản so với năm 2016); 3.682 VBQPPL cấp huyện (giảm 38,3% so với năm 2016); 18.434 VBQPPL cấp xã (giảm khoảng 55% so với năm 2016). Kết quả này rõ ràng cho thấy việc thực hiện nghiêm túc các quy định về giảm số lượng văn bản ở cấp huyện, cấp xã trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015. Ngoài ra, Bộ Tư pháp tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, kịp thời hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh; đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật, có đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các quy định mới của Luật.

Quyết liệt xử lý văn bản ảnh hưởng xấu cho người dân, doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng thể chế không thể “bỏ qua” vai trò “gác cổng” của Bộ, ngành Tư pháp. Cùng với việc tiếp tục chuyển biến về chất lượng xây dựng VBQPPL, chất lượng công tác thẩm định VBQPPL cũng ngày càng được nâng cao, chú trọng vào tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi của văn bản. 

Toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 9.988 dự thảo VBQPPL, trong đó tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ đã thẩm định 932 dự thảo VBQPPL, các Sở Tư pháp thẩm định 5.088 dự thảo, các Phòng Tư pháp thẩm định 3.728 dự thảo. Riêng Bộ Tư pháp đã thẩm định 240 dự thảo VBQPPL, bao gồm cả bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ thẩm định chùm nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành. 

Không những thế, Bộ Tư pháp đã thẩm định 50 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ; các Sở Tư pháp thẩm định 272 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Việc góp ý VBQPPL tiếp tục được toàn ngành chú trọng, chỉ tính tại Bộ Tư pháp, đã thực hiện góp ý 612 dự thảo văn bản. 

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 27.274 VBQPPL. Qua kiểm tra, bước đầu phát hiện 1.005 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (tăng 346 văn bản so với năm 2016). Việc xử lý các văn bản trái pháp luật được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn, nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. 

Đối với Bộ Tư pháp, đã kiểm tra 4.462 văn bản (gồm 618 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ và 3.844 văn bản của địa phương), tăng 1.429 văn bản so với năm 2016. Bước đầu phát hiện 134 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (23 văn bản của các bộ, ngành, 111 văn bản của địa phương) và 22 văn bản không phải là VBQPPL nhưng có chứa quy phạm pháp luật. Đến nay, có 62 văn bản có kết luận kiểm tra trong năm 2017 đã được xử lý; các văn bản còn lại đang được Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý theo quy định. Công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn và theo các nguồn thông tin được thực hiện kịp thời. 

Đáng chú ý, để góp phần giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng, cả nước đã tích cực thực hiện rà soát được 50.489 VBQPPL, lập và công bố Danh mục VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý. Chung tay nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tư pháp đã cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thực hiện tốt việc rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, quy hoạch. Qua đó có Báo cáo kết quả rà soát trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đề xuất những giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, kinh doanh...

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, lần đầu tiên Chính phủ đã phê duyệt, thông qua kết quả pháp điển chủ đề Đất đai và 35 đề mục trong Bộ pháp điển (theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017) và chính thức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển, giúp việc khai thác, sử dụng của các cá nhân, tổ chức được dễ dàng hơn. Bộ Tư pháp hiện đang trình Chính phủ xem xét thông qua kết quả pháp điển các chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư, lưu trữ và 28 đề mục thuộc 14 chủ đề khác.

Tuy nhiên, qua thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Tư pháp nhận thấy vẫn còn tình trạng xin lùi, rút dự án ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, cơ quan ngang bộ chưa đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017 (có 04 Bộ còn nợ tổng số 10 thông tư). Chất lượng một số VBQPPL chưa cao… Đây là những tồn tại, hạn chế cần phải sớm khắc phục để thể chế thực sự trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế, phát huy vai trò kiến tạo phát triển.

Đọc thêm