Đến nay, Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành 31 Kế hoạch, Quyết định chỉ đạo, thực hiện các lĩnh vực Tư pháp năm 2024. Sở Tư pháp chủ động ban hành Quyết định số 14/QĐ-STP ngày 29/01/2024 về Kế hoạch thực hiện chương trình công tác tư pháp năm 2024 với 195 nhiệm vụ cụ thể, 84 nhiệm vụ thường xuyên và ban hành 75 Kế hoạch,125 Quyết định để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác Tư pháp. UBND các huyện, thành phố kịp thời ban hành Chương trình công tác Tư pháp năm 2024 theo hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh và tình hình thực tiễn ở địa phương. Kết quả công tác Tư pháp 07 tháng đầu năm có đóng góp chung vào sự phát triển KT-XH của tỉnh, đó là sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành và mỗi cán bộ, công chức làm công tác Tư pháp các cấp.
Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, 100% văn bản QPPL của HĐND, UBND ban hành đều được cơ quan Tư pháp thẩm định đảm bảo tính pháp lý và phù hợp thực tiễn của tỉnh, địa phương. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã hoàn thành kế hoạch rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2019-2023 trên địa bàn tỉnh với 836 văn bản được rà soát, qua rà soát xác định văn bản QPPL còn hiệu lực, văn bản hết hiệu lực, văn bản cần sửa đổi, bổ sung kịp thời; cùng nhiều nội dung khác được triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật tại các ngành, các cấp. Tư pháp các cấp phát huy vai trò quan trọng trong hướng dẫn, thẩm định giúp Chủ tịch UBND cùng cấp kịp thời ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đúng quy định pháp luật. Sở Tư pháp nghiên cứu, thẩm định 90 hồ sơ xử phạt VPHC thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh; tham gia ý kiến nhiều vụ việc phức tạp của các ngành, các cấp; tổ chức thực hiện Phần mềm quản lý xử lý VPHC trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo pháp luật được thi hành, ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.
Phát huy vai trò thường trực của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cấp, ngành Tư pháp tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác PBGDPL, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Hình thức PBGDPL có nhiều đổi mới và đa dạng cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, gắn với nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Nội dung tuyên truyền pháp luật tập trung các vấn đề được xã hội quan tâm như đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; xử lý vi phạm hành chính; phòng, chống tham nhũng tiêu cực; chế độ, chính sách đối với người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Sở Tư pháp tham mưu giúp Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Trang thông tin PBGDPL tỉnh.
Triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lý lịch tư pháp và bồi thường nhà nước, các lĩnh vực giải quyết các thủ tục hành chính trực tiếp của người dân. Tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ số hóa hộ tịch (hoàn thành nhiệm vụ số hóa giai đoạn 1), nhóm TTHC liên thông trên Dịch vụ công, trong đó có ký Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp với Bưu điện tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của tỉnh.Tổng kết 07 năm Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 cùng nhiều nội dung khác được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường quản lý trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp bằng nhiều hình thức phù hợp: Sở Tư pháp ký Quy chế phối hợp với Hội Công chứng viên tỉnh Vĩnh Phúc; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý, trong đó có hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng; hoạt động công chứng và Đấu giá tài sản được duy trì, kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước; thực hiện nghiêm túc, khách quan công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước đưa hoạt động bổ trợ tư pháp đi vào nề nếp và góp phần nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp, ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác Tư pháp của tỉnh còn những tồn tại, khó khăn như: Có việc, nội dung còn lúng túng, chậm được triển khai, hoàn thành; chưa đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cải cách hành chính trong giải quyết một số thủ tục hành chính; công tác PBGDPL của một số đơn vị cơ sở còn chưa thường xuyên, thiếu chủ động; nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trên một số lĩnh vực chậm, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong tình hình mới. Nguyên nhân, do nhiệm vụ công tác Tư pháp phân cấp cho chính quyền địa phương ngày càng nhiều, tính chất và mức độ phức tạp gia tăng, đòi hỏi ngày càng cao về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng số lượng biên chế làm công tác Tư pháp không tăng, thậm chí giảm nên gây nhiều khó khăn, áp lực trong tổ chức thực hiện. Thể chế trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, cần tiếp tục được hoàn thiện như vấn đề phân cấp cho địa phương trong văn bản QPPL của Chính phủ, Bộ, Ngành; về giao việc giữa các cơ quan nhà nước địa phương.
Nhằm hướng tới kỷ niệm 79 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2024), Tư pháp Vĩnh Phúc quyết tâm thi đua, lập thành hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Cụ thể, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, chủ động rà soát, triển khai thực hiện hiệu quả 100% nhiệm vụ theo Chương trình, kế hoạch công tác Tư pháp đề ra. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền địa phương có xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, thực hiện gắn với yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Triển khai và tham mưu hoàn thiện văn bản QPPL trong công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cho phù hợp với Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
Thứ ba, có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính các cấp, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trong tình hình mới.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện thường xuyên, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh theo hướng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; có xác định trọng tâm, trọng điểm các vấn đề được tuyên truyền phổ biến phù hợp với yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nhiệm vụ chính trị của Ngành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Thứ năm,tập trung thực hiện nhóm nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 trong lĩnh vực Tư pháp, triển khai phần mềm đấu giá công trực tuyến, LLTP, công chứng, chứng thực, vi bằng. Xác định số hóa hộ tịch là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên thực hiện hàng đầu, đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nâng cao hiệu quả chỉ số chấm điểm cải cách hành chính các nội dung lĩnh vực Tư pháp, trong đó có nhóm TTHC về cấp phiếu LLTP; các nhóm TTHC liên thông về đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trên Dịch vụ công.
Thứ sáu, thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực Tư pháp, đặc biệt khối bổ trợ tư pháp; nâng cao hiệu quả hoạt động, hạn chế các sai phạm và đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp. Đồng thời tổ chức tốt các phong trào thi đua lập thành tích để kịp thời động viên, khuyến khích và khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp sự nghiệp phát triển ngành Tư pháp hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2025) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI trên địa bàn tỉnh.