Ngành Y tế hướng về đồng bào vùng bão lũ

(PLVN) - Sau khi cơn bão đi qua, lũ rút cũng là lúc gánh nặng bệnh tật đè nặng lên vai ngành y tế các vùng bị ảnh hưởng, thấu hiểu được những khó khăn đó, ngành Y tế cả nước đồng lòng chia sẻ gánh nặng với đồng bào vùng bão lũ.
Các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Bạch Mai nỗ lực tìm cách cứu bệnh nhi vụ sạt lở ở Làng Nủ. (Ảnh: Thế Anh)

Kịp thời cấp cứu nạn nhân vùng bão lũ

Bảo đảm công tác y tế trong mưa bão, không để gián đoạn cấp cứu, khám, chữa bệnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế trong thời điểm cơn bão số 3 đang càn quét các tỉnh miền Bắc. Đến nay, khi bão lũ đã đi qua, nhiệm vụ này tiếp tục được đặt lên hàng đầu, nhất là khi số lượng nạn nhân tại các tỉnh bị lũ lụt, sạt lở đất liên tục gia tăng. Để có thể kịp thời cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân bão lũ tăng dồn dập, các bệnh viện tuyến cuối đã xuyên đêm tổ chức hội chẩn, mổ cấp cứu, căng mình cứu chữa cho người bệnh.

Những ngày qua, tại Bệnh viện Bạch Mai, theo chỉ đạo của PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mọi nguồn lực đều được tập trung để cứu chữa cho hai nạn nhân trong vụ lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, Lào Cai. Đó là bé gái 11 tuổi và nam bệnh nhân 31 tuổi, đều bị vùi lấp trong trận lũ quét Làng Nủ và được tìm thấy trong tình trạng bị thương rất nặng.

Với trường hợp nam bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã sử dụng kỹ thuật cao nhất là ECMO hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn, lọc máu liên tục phối hợp lọc máu hấp phụ, kháng sinh phổ rộng tối ưu, nội soi bơm rửa phế quản, truyền các chế phẩm máu để cứu tính mạng. Tuy nhiên, do bị suy đa tạng rất nặng, nam bệnh nhân đã tử vong ngày 14/9.

Là bệnh viện ngoại khoa tuyến cuối, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận cấp cứu các trường hợp bị chấn thương nghiêm trọng sau vụ sạt lở tại các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, các bác sĩ đầu ngành tại Bệnh viện cũng liên tục tổ chức hội chẩn cấp cứu các ca nặng, kịp thời xử trí tổn thương cho bệnh nhân trong điều kiện không thể chuyển lên tuyến trên. Riêng vụ lũ quét vùi lấp kinh hoàng xảy ra tại bản Làng Nủ, đã có 3 bệnh nhân được hội chẩn từ xa.

TS. Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, trong những ngày tới, cầu truyền hình trực tuyến của Bệnh viện luôn mở 24/24h với tất cả các đầu cầu phía Bắc để triển khai hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn. Trong trường hợp cần thiết, Bệnh viện sẽ tăng cường ê-kíp bác sĩ cho tuyến dưới. Hiện tại, Bệnh viện đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn cấp với thảm họa và tai nạn thương tích hàng loạt trong mưa lũ, với sáu kíp bác sĩ sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào để chi viện và hỗ trợ tuyến dưới.

Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa

Không chỉ nỗ lực cứu chữa các bệnh nhân bị thương tích do bão lũ, ngành Y tế nói chung và các bệnh viện trên cả nước nói riêng còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ bà con ở các địa phương bị thiệt hại nghiêm trọng sau cơn bão số 3.

Đặc biệt, trong chuyến hỗ trợ y tế cho Lào Cai vào ngày 14/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã mang theo món quà vô giá là gần 100 đơn vị máu do chính các thầy thuốc của Bệnh viện hiến tặng, khi kho máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đang sắp cạn. Cùng với đó là 300 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp và 12 chuyên gia hàng đầu trong phẫu thuật chấn thương, phẫu thuật thần kinh và hồi sức tích cực để trực tiếp thăm khám người bệnh, phân loại thương tổn, chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn quan trọng để giúp bệnh nhân có thể vượt qua giai đoạn nguy hiểm này. Bệnh viện cũng hỗ trợ 100 triệu đồng cho gia đình nhân viên y tế làm việc tại Trạm Y tế Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, Lào Cai, người đã thiệt mạng do bị lũ cuốn khi làm nhiệm vụ.

Cùng chung tay hướng về đồng bào vùng bão lũ, mới đây, hơn 16.000 túi thuốc gia đình từ TP HCM đã được chuyển đến, trao tận tay cho bà con ở các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Thái Bình. Đây là một phần trong tổng số 30.000 “túi thuốc gia đình” được ngành Y tế TP HCM hỗ trợ cho người dân ở 10 tỉnh, thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Các túi thuốc bao gồm những loại thuốc thiết yếu như thuốc dị ứng, hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng, thuốc sát trùng da, băng keo cá nhân… được đựng trong túi zip chống nước. Những loại thuốc này rất cần thiết trong bối cảnh người dân đang bị cô lập do lũ, mọi người có thể tự chăm sóc bản thân theo đúng hướng dẫn sử dụng chi tiết của ngành Y tế.

Đọc thêm