Gia đình - tế bào của xã hội
Tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” cũng nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.
Qua đó, có thể thấy được tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển ổn định, bền vững của toàn xã hội. Gia đình là một tế bào của xã hội, nơi không chỉ để duy trì nòi giống mà chính là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, là nơi khởi nguồn của mọi giá trị nhân bản và đạo đức.
Trong mỗi gia đình, các thành viên không chỉ học cách sống, làm việc, mà còn được giáo dục về lẽ sống, tình yêu thương và trách nhiệm. Một gia đình hạnh phúc, vững mạnh sẽ góp phần tạo nên một xã hội ổn định, phát triển bền vững, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, chống lại tệ nạn xã hội, giáo dục tình yêu Tổ quốc.
Cuộc sống hiện đại, con người chạy theo giá trị vật chất, đôi khi lãng quên đi giá trị gia đình. Trong cơn lốc của đồng tiền, của những cám dỗ, nhiều gia đình đã đánh mất đi ý nghĩa “mái ấm”, không còn là “chiếc nôi” nuôi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người. Đã có nhiều gia đình hiện đại bị đứt gãy mối quan hệ giữa các thành viên, tình nghĩa vợ chồng phai nhạt, sự lừa dối, toan tính lên ngôi, đức hy sinh, trách nhiệm, lòng hiếu thảo không còn.
Chính vì thế, việc có một dấu mốc để nhắc nhở từng cá nhân và cả xã hội, trên hành trình tiến về phía trước cần luôn trân trọng giá trị gia đình, cần sự nỗ lực vun đắp, xây dựng gia đình - tế bào của xã hội luôn “khỏe mạnh” là cực kì cần thiết.
Nâng cao sức khỏe cho mỗi tế bào
Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững”. Quyết định nêu rõ: Lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ đó đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam được tổ chức vào ngày 28/6 hằng năm như một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Từ Thủ đô Hà Nội, từ các thành phố lớn cho đến địa phương, vào Ngày Gia đình Việt Nam hàng năm đều tổ chức những hoạt động sôi nổi và hữu ích nhằm đề cao giá trị gia đình, như các hội thảo khoa học, các cuộc giao lưu giữa các gia đình cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa. Còn có việc tôn vinh những mô hình gia đình kiểu mẫu nhằm nhân rộng gương sáng cho xã hội học hỏi...
Ở phạm vi mỗi “hạt nhân”, Ngày Gia đình Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc khuyến khích và thúc đẩy sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Đây còn là cơ hội để giáo dục về giá trị gia đình cho các thế hệ trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, khi cuộc sống hiện đại ngày càng bận rộn và áp lực, việc giáo dục về tình cảm gia đình, trách nhiệm và đạo đức ngày càng trở nên cần thiết. Thông qua các hoạt động trong ngày này, các bậc cha mẹ có thể giúp con cái hiểu và trân trọng hơn những giá trị cốt lõi của gia đình.
Ở phạm vi toàn xã hội, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để cộng đồng nhìn nhận và đẩy mạnh vai trò của gia đình trong xã hội. Từ đó thúc đẩy triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các gia đình phát triển. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của gia đình cũng rất cần thiết, giúp mọi người hiểu rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Có thể nói, từ khi ra đời, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành một hoạt động thiết thân, quan trọng trong đời sống gia đình Việt. Đó không chỉ là ngày hội của mỗi gia đình mà còn là ngày để cả xã hội cùng hướng về, tôn vinh và khẳng định giá trị của gia đình, cùng nhau vun đắp, củng cố sự “khỏe mạnh” cho gia đình, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, nhân văn.