Bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, cho biết theo giấy mời của tòa, ngày mai gia đình bà sẽ cử người tới dự phiên xử.
Luật sư Nguyễn Hương Giang cho hay do gia đình nạn nhân không kháng cáo nên bà và luật sư Vũ Gia Trưởng không tới phiên xử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ như phiên sơ thẩm.
Theo nguồn tin của VnExpress, nghi can thứ hai của vụ án là Đào Quang Khánh không kháng cáo. Gia đình Nguyễn Mạnh Tường tiếp tục mời luật sư Ngô Thị Trang Vân làm người bào chữa.
12 ngày sau khi TAND Hà Nội tuyên án, Nguyễn Mạnh Tường đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Chủ thẩm mỹ viện Cát Tường cho rằng án tuyên chưa thỏa đáng khiến bị cáo "tội chồng thêm tội", án phạt quá nặng, cáo trạng có nhiều chi tiết buộc tội chưa đúng.
Vợ Tường cũng kháng cáo xin lại nửa ôtô mà toà sơ thẩm tuyên tịch thu để có tiền bồi thường cho gia đình bị hại.
Ngày 5/12/2014, TAND Hà Nội xác định Nguyễn Mạnh Tường đã phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng cho chị Huyền khi Thẩm mỹ viện Cát Tường do ông ta làm chủ chưa được cấp phép. Trong ngày chị Huyền tử vong (19/10/2013), Tường cùng nhân viên bảo vệ Khánh đã mang xác tới cầu Thanh Trì, ném phi tang xuống sông Hồng. Đây được cho là hành động mất nhân tính, làm tổn hại đến uy tín y đức của ngành y tế, gây phẫn nộ dư luận.
Sau gần 10 tháng, thi thể chị Huyền mới được tìm thấy trên sông trong tình trạng không còn nguyên vẹn.
TAND Hà Nội tuyên phạt Tường 14 năm tù về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh, 5 năm tội xâm phạm thi thể, tổng hợp hình phạt 19 năm. Nghi can phải bồi thường gần 600 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Liên quan vụ án, Khánh bị phạt 24 tháng về tội Xâm phạm thi thể, 9 tháng về tội Trộm cắp tài sản, tổng cộng 33 tháng.
Tường là bác sĩ Khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai, mở Thẩm mỹ viện Cát Tường tại đường Giải Phóng song chưa được cấp phép thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Một ngày sau khi vụ án được phanh phui, Bệnh viện Bạch Mai đã đình chỉ công tác của ông ta.